Bạc Liêu, chuyện từ cánh đồng điện gió

Ngày 23-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng - Bạc Liêu là địa phương đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Từ một vùng quê nghèo, Bạc Liêu đang chuyển mình, kinh tế- xã hội ngày càng khởi sắc, hướng tới trở thành trung tâm giống thủy sản và đặc biệt là trung tâm điện gió của cả nước.

Cánh đồng điện gió Bạc Liêu.
Cánh đồng điện gió Bạc Liêu.

Về thăm Bạc Liêu lần này, đi trên bờ đê Đông xã Vĩnh Trạch (TP Bạc Liêu), đã hiện hữu mọc lên một tổ hợp điện gió gồm 10 trụ điện với những cánh quạt đang sải cánh đón gió, làm quay những tua-bin để sản xuất ra dòng điện sạch cho Tổ quốc.

Mới đó mà đã một năm dự án Điện gió Bạc Liêu đi vào vận hành. Vượt qua bao khó khăn gian khổ và những thăng trầm, nhà máy chạy bằng gió thiên nhiên đã cho sản phẩm đầu tiên. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Tổng giám đốc Công ty Công Lý Tô Hoài Dân cho biết: "Kể từ khi đưa vào khai thác vận hành thương mại 10 tua-bin đầu tiên vào tháng 7-2013 đến nay, các tua-bin hoạt động ổn định, hệ số công suất phát điện bình quân đạt từ 30 đến 55%, tổng sản lượng điện đã hòa vào lưới điện quốc gia gần 50 nghìn MW, đạt giá trị thương mại xấp xỉ 100 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 10 tỷ đồng". Tưởng như gió chỉ thổi thoáng qua, nào có ai ngờ rằng - gió đã được tận thu để làm ra của cải cho xã hội; "gió làm ra tiền". Có phải chăng như được nghe câu chuyện khó tin ở vùng đất nghèo khó này, những người ngư dân hay lam, hay làm nhưng kiếm được con cá, con cua đâu có dễ. Bác Sáu Thành nhà ở bên vườn nhãn cổ thụ cho biết: "Vùng đất nghèo này đã và đang chuyển mình bằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đó". Lão nông Nam Bộ chính hiệu ngót 80 tuổi, mắt nheo nheo ngắm nhìn những cánh quạt của những trụ điện gió đang quay đều, mà trong lòng khôn xiết mừng vui.

"Không để uổng phí một lượng gió lớn - đó là câu chuyện thời hiện đại, khi Công ty Công Lý triển khai xây dựng Nhà máy điện gió trên vùng đất sình lầy chỉ có cây tràm, cây đước, có nuôi trồng thủy, hải sản thì hiệu quả kinh tế cũng không cao", Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng chia sẻ: "Mất bao trăn trở để từ ý tưởng đến quá trình xây dựng nên cánh đồng điện gió". Thời đó, ngay trong cấp ủy cũng có người không tin. Mà họ không tin cũng có cơ sở. Làm sao đặt được những trụ điện gió nặng hàng trăm tấn xuống vùng sình lầy. Làm sao có được nguồn vốn cả nghìn tỷ đồng đầu tư? Là người luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, luôn tâm đắc với sự nghiệp đổi mới, lãnh đạo tỉnh coi việc đưa dự án điện gió như là một chủ trương lớn "đã đi vào thực tiễn và thành công". Vì nói như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: "Không ai dám tin những người thợ chỉ dùng những cần cẩu, pa-lăng mà dựng được những trụ điện cao gần trăm mét, nặng tới 200 tấn".

Sau ba tháng thi công đã có 44 trong số 52 trụ móng được thi công. Với tiến độ này, đến tháng 9-2014 các nhà thầu sẽ bàn giao cho chủ đầu tư 14 cột trụ để lắp đặt cánh quạt - tua-bin. Để kết nối 52 trụ điện gió của giai đoạn II, chủ đầu tư phải làm tiếp 16km cầu công tác kết nối với 52 trụ điện gió. Tạo nên một khung cảnh hùng vĩ ven bờ biển Bạc Liêu. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Khái đánh giá cao quyết tâm của chủ đầu tư: "Giám đốc Công ty Công Lý là người ở Cà Mau, người ta mang cả gia đình về đây, mày mò, tìm tòi, nghiên cứu rồi thuyết phục các anh lãnh đạo từ tỉnh lên đến Trung ương để làm dự án, khi công trình hoàn thành thì từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất đến người dân đều khen ngợi, biểu dương coi như Bạc Liêu đã và đang làm nên kỳ tích trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa".

Nếu mai này cả 62 trụ gió phát điện hòa vào lưới điện quốc gia mỗi năm ngót nửa tỷ kW/h, đóng góp cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng mà là điện gió, điện sạch, thì hiệu quả kinh tế- xã hội càng có ý nghĩa to lớn. Đó là chống được hiệu ứng nhà kính, giảm khí các-bo-níc phá hoại tầng ô-dôn, gìn giữ được môi trường, để phát triển bền vững.

Bây giờ Bạc Liêu không còn là "thành phố đi qua". Ngoài các nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu, Nhà máy Bia Sài Gòn, Bạc Liêu đang hợp tác với Hàn Quốc xây dựng nhà máy may xuất khẩu. Khách du lịch đến Bạc Liêu không chỉ đến thăm dinh thự Công tử Bạc Liêu, thăm vườn chuối, vườn nhãn cổ hơn trăm tuổi, thăm những cánh đồng muối trắng. Biển Bạc Liêu đẹp lắm, nay có thêm những trụ điện gió, càng đẹp hơn.

Bạc Liêu đang vươn mình ra Biển Đông với dáng vóc và tầm thế mới. Đó là chinh phục thiên nhiên, biến gió thành điện để làm công nghiệp hóa ngay trên vùng biển sình lầy. Những đổi thay trên vùng quê cách mạng đang hiện hữu từng ngày, từng ngày...