Xóa bỏ sự cát cứ trong quy hoạch

Cần phải làm gì để khắc phục những bất cập trong quy hoạch vùng cao nhằm thích ứng biến đổi khí hậu? Phóng viên Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng PGS, TS Nguyễn Hồng Tiến, Ủy viên thường vụ Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam.

PGS, TS Nguyễn Hồng Tiến, Ủy viên thường vụ Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam.
PGS, TS Nguyễn Hồng Tiến, Ủy viên thường vụ Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam.

- Biến đổi khí hậu, thiên tai bất thường, không theo quy luật đã tác động sâu sắc đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, sinh kế của người dân. Tuy nhiên, hiện công tác quy hoạch ở vùng cao dường như chưa theo kịp yêu cầu thực tế, thưa ông?

- Trong quy định của Luật Quy hoạch 2017 và các hướng dẫn Luật, giảm tác động của biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai ứng phó biến đổi khí hậu là nội dung quan trọng phải được cụ thể trong các loại quy hoạch từ Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng đến quy hoạch tỉnh.

Trên thực tế, mọi khó khăn trong công tác quy hoạch đều xoay quanh một chữ "Thiếu". Như là, thiếu cơ sở dữ liệu hoặc số liệu không đầy đủ hoặc độ tin cậy không cao về địa hình, địa chất, địa mạo, thủy văn, điều tra vết lũ, hiện trạng trượt lở đất đá, sụt lún nền, xói lở sông suối… Thiếu hoặc không có các bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống… tại các vùng miền núi, trung du để làm cơ sở xác định các khu vực hạn chế, không thuận lợi hoặc cấm xây dựng trong các quy hoạch. Thiếu các thông tin chính xác và đầy đủ có liên quan thiệt hại và hậu quả do mưa lớn, mưa đá, lũ quét, tố lốc, sạt lở… và những giải pháp, biện pháp đã khắc phục. Rồi thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, công tác đánh giá, kiểm tra, giám sát… quy hoạch.

Ngoài ra, các hướng dẫn lập quy hoạch hay lồng ghép về tác động của biến đổi khí hậu còn chung chung, những giải pháp đề xuất mang tính vĩ mô, thiếu tính khả thi, đặc biệt áp dụng cho các vùng cao. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý với nhau, các đơn vị tư vấn lập quy hoạch với cơ quan quản lý thiếu chặt chẽ, thiếu cơ chế phối hợp cụ thể. Công tác chia sẻ cơ sở dữ liệu, bản đồ, các thông tin còn gặp rất nhiều khó khăn.

- Theo nhìn nhận của ông, có hay không việc thiếu liên thông, và cát cứ giữa các ngành, địa phương dẫn đến tình trạng nói trên?

- Đúng là các ngành và địa phương đều xây dựng riêng cho mình cơ sở dữ liệu có liên quan đến điều kiện tự nhiên, tình hình phát triển kinh tế, xã hội, các số liệu thống kê về kinh tế, kỹ thuật, môi trường, đất đai… Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, các số liệu chưa được quản lý mang tính thống nhất (thống nhất từ nhận dạng, khái niệm và định lượng), nên mỗi ngành, địa phương có quy định quản lý riêng. Điều đó khó tránh khỏi sự cát cứ hay hạn chế việc chia sẻ nguồn thông tin.

Đặc biệt, biến đổi khí hậu tác động mạnh trong khoảng 15 năm nay và gần đây ngày càng bất thường với quy mô, tần suất, phạm vi khác nhau, việc theo dõi, cập nhật và thực hiện công tác điều tra khảo sát, xây dựng những mô hình, dự báo, kịch bản... đã có làm nhưng còn chậm; việc công bố, phổ biến cũng còn hạn chế; tiếp cận các tài liệu thực cũng còn khó khăn. Nội dung quy hoạch theo Luật Quy hoạch tuy có cải tiến nhằm nâng cao chất lượng nhưng vẫn còn quá nhiều hạn chế.

- Cần tập trung vào giải pháp gì để quy hoạch vùng cao đáp ứng đòi hỏi phải đi trước thực tế, thưa ông?

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 10/TT-BKHĐT, ngày 22/12/2021, hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành kinh tế, xã hội. Đây là một nội dung quan trọng trong các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có kế hoạch tổ chức phổ biến, tập huấn thông tư này đến các bộ, ngành và các địa phương để biết và thực hiện. Cần có hướng dẫn bổ sung về tác động của biến đổi khí hậu trong các quy hoạch.

Về phía Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng "Hướng dẫn quy hoạch đô thị, điểm dân cư nông thôn trong khu vực chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét và sạt lở đất". Đây là tài liệu tham khảo rất bổ ích cho các nhà quản lý và tư vấn, đề nghị Bộ Xây dựng tổ chức công bố và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Liên quan các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ lập quy hoạch: Căn cứ trách nhiệm được giao, các bộ cần tổng hợp, nghiên cứu, ban hành sớm để các cơ quan quản lý, đơn vị tư vấn có cơ sở áp dụng khi lập quy hoạch cũng như đánh giá quy hoạch. Chất lượng đồ án quy hoạch phụ thuộc năng lực của tư vấn, vì vậy cần làm tốt công tác đào tạo, tập huấn và nâng cao năng lực lập quy hoạch cho tư vấn hoặc phải có quy định rất cụ thể hoặc phải tuân thủ chặt chẽ việc lựa chọn tư vấn đúng quy định trong Luật Quy hoạch.

- Xin cảm ơn ông!

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 351/QĐ-TTg, ngày 27/3/2012, về phê duyệt đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam". Sau 10 năm thực hiện, cần có tổng kết đánh giá và thông tin công khai về đề án. Đây là nguồn tài liệu quý, nhất là đối với các đơn vị tư vấn đang lập quy hoạch vùng trung du, miền núi phía bắc, vùng Tây Nguyên hay quy hoạch tỉnh của các tỉnh trong khu vực.