Xây dựng nông thôn mới ở Tây Bắc

Kỳ 3: “Đường rộng nhờ lòng người rộng”

Đường bê tông về các bản trong xã Nông thôn mới Chà Nưa.
Đường bê tông về các bản trong xã Nông thôn mới Chà Nưa.

Tuyên truyền đúng và trúng chính là chìa khóa để hóa giải bài toán khó khăn, cũng như thách thức trong việc triển khai chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở ba tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên...

Xác định đặc thù là vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí còn hạn chế, còn tồn tại nhiều tập quán lạc hậu, cho nên Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Lào Cai tập trung đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động người dân ở các xã đặc biệt khó khăn để có sự hiểu biết, đồng thuận, chủ động và tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM ở thôn bản, theo phương châm “khó làm trước, dễ làm sau”.

Xã A Mú Sung (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) là một thí dụ, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, với khẩu hiệu “Đường rộng nhờ lòng người rộng”, “Đất vàng, việc làng không tiếc”, “Làm nhà, làm bếp xếp sau làm đường”... đồng bào H’Mông đã tự nguyện hiến hơn 30 nghìn m2 đất, đóng góp hàng nghìn ngày công và hơn 10 tỷ đồng để mở rộng và kiên cố hóa 13 tuyến đường trục xã, trục thôn, với tổng chiều dài 14,7 km; xóa nhà tạm, làm nhà ba cứng và làm hàng trăm nhà vệ sinh, chuồng trại nuôi nhốt gia súc, góp phần hoàn thành xây dựng NTM ở địa phương vào cuối năm 2020.

Theo Phó Chánh văn phòng chuyên trách điều phối xây dựng NTM tỉnh Lào Cai Nguyễn Trung Kiên, trong rất nhiều hình thức vận động, tuyên truyền, tỉnh tập trung sử dụng các Tổ tuyên vận “đến từng ngõ, gõ từng nhà” hoạt động theo phương thức tuyên truyền tại chỗ, tại hiện trường xong là “cầm tay chỉ việc”, như vậy vừa dễ hiểu, nhớ lâu và dễ làm theo.

Cũng nhờ Ban tuyên vận và Tổ tuyên vận mà cấp ủy cấp xã và chi bộ ở thôn, tổ dân phố điều hành được tất cả các lực lượng trong hệ thống, nhất là các lực lượng tuyên truyền miệng trên mọi lĩnh vực, của tất cả các tổ chức theo quy chế chặt chẽ, thống nhất và thường xuyên, liên tục. Chính vì vậy đã khắc phục nhanh được tình trạng “cắt khúc” giữa công tác tư tưởng với công tác dân vận, sự thiếu thống nhất trong quá trình tuyên truyền vận động nhân dân.

Nhận diện khó khăn trong xây dựng NTM tại các xã vùng biên giới tỉnh Điện Biên, ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, yêu cầu: “Trong điều kiện nguồn vốn không thể bổ sung thêm, các địa phương cần coi trọng tuyên truyền, vận động khơi sức dân xây dựng NTM; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có như thế mới tạo giá trị nông nghiệp bền vững, thiết thực cải thiện đời sống người dân ở nông thôn, biên giới”.

Nhận thức rõ những đặc thù và khó khăn của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Vương Thế Mẫn cho rằng, cần bám vào Nghị quyết phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với kinh tế cửa khẩu của huyện. Từ đó quy hoạch lại vùng sản xuất tạo ra chuỗi liên kết giá trị sản phẩm gắn với xuất khẩu...

Cũng theo ông Mẫn, hiện nay do các xã vùng cao biên giới quá khó khăn, huyện thì nghèo nên hướng xây dựng NTM của huyện là làm dứt điểm các bản, xã và các tiêu chí. Hơn nữa, huyện sẽ không đề xuất lộ trình hoàn thành NTM của các xã như trước đây mà xác định một nhiệm kỳ hoàn thành mấy xã, theo mục tiêu đó cố gắng để mỗi năm tập trung nguồn lực cho một vài tiêu chí ở tất các xã, bản được xác định. Quan trọng hơn với thời gian như vậy sẽ có thêm nguồn lực để gia tăng đầu tư cho bà con.

Từ cấp cơ sở, Bí thư xã Huổi Luông (Lai Châu) Lê Văn Dung kiến nghị, huyện, tỉnh, Trung ương cần xem xét tiếp tục đầu tư đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng để bảo đảm duy trì giữ vững chuẩn NTM. Mặt khác, tiếp tục đầu tư các nguồn lực, đưa các nguồn hỗ trợ cây, con, kỹ thuật và tạo vùng sản xuất liên kết chuỗi giá trị để bảo đảm nâng cao đời sống cho bà con. “Đề nghị các bộ, ngành, Trung ương có lộ trình cắt giảm chế độ bảo hiểm y tế, chế độ hỗ trợ học sinh, chế độ chính sách... để tránh tình trạng “sốc” tâm lý dẫn đến tư tưởng “ngại” hoàn thành NTM của bà con đồng bào”, ông Dung đề xuất ■