Con cháu Lạc Hồng

Xa xứ, ấm tiếng chuông chùa

Cộng đồng người Việt Nam ở Hungary hiện chỉ có khoảng 5.000 người, nhưng đã để lại những dấu ấn đáng kể về lịch sử văn hóa Việt, về sự gắn kết và sức mạnh của tinh thần Việt… Ở đất nước Trung Âu xa xôi, một ngôi chùa dành cho cộng đồng người Việt được dựng nên, như một nẻo về để những người con xa xứ cảm nhận quê hương thật gần.

Xa xứ, ấm tiếng chuông chùa

Chị Phan Bích Thiện (ảnh dưới), Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, chính là người đã góp phần kiến tạo nên cõi tâm linh mang dấu ấn Phật giáo cho cộng đồng người Việt hướng về. Mỗi dịp lễ hay Tết truyền thống, nỗi nhớ ngôi nhà bên hồ Tây (Hà Nội), nhớ những lần cùng mẹ đi chùa lại ùa về trong chị. Với cộng đồng người Việt Nam ở đất nước xinh đẹp này, tiếng chuông chùa đã đi vào tâm thức như một sợi dây kết nối về với quê cha đất tổ. Tìm hiểu nguyện vọng và mong muốn của cộng đồng người Việt, chị Thiện bắt tay vào vận động đóng góp, xin phép chính quyền thành phố Simontornya (cách Thủ đô Budapest 140 km) cho xây dựng một ngôi chùa Việt Nam. Việc làm của chị Thiện nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người Việt, đồng thời được chính quyền sở tại đồng ý để người Việt dựng một ngôi chùa làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh. 

Khi giải quyết xong về mặt thủ tục, bắt tay vào công việc thực tế, chị Thiện mới nhận ra việc xây dựng một ngôi chùa theo kiến trúc Việt ở châu Âu khó đến mức nào. Trước hết là khó khăn trong tìm người thành thạo về kiến trúc truyền thống của chùa Việt, cũng không tìm được thợ để thi công nhiều hạng mục, nhất là các trang trí tượng Phật, hoành phi, câu đối… hay các mảng chạm khắc. Mỗi lần về Việt Nam, chị Phan Bích Thiện đã gặp gỡ các sư thầy, tìm đến các làng nghề để xin tư vấn về cách thiết kế chùa Việt. Phần nội thất cũng phức tạp không kém. Chị đến Ý Yên (Nam Định) để đặt đúc tượng Phật A Di Đà bằng đồng đỏ; còn chuông chùa lại do các nghệ nhân ở Thừa Thiên Huế thực hiện. Bức tượng Phật Quan Âm đứng trước cửa chùa được đặt ở Đà Nẵng. Chị phải tốn rất nhiều công sức đi lại tìm hiểu, đặt hàng, rồi vận chuyển sang Hungary. Sau một hành trình dài chuẩn bị và xây dựng, đến tháng 8-2018, ngôi chùa đã được khánh thành. 

ĐỂ hướng về nguồn cội, chị cùng cộng sự quyết định đặt ban thờ Quốc tổ Hùng Vương trong chùa. Từ đó, cứ ngày rằm, mồng một và những dịp lễ, Tết, nhiều người Việt ở các tỉnh, thành phố khác lại đến thành phố Simontornya, nơi có chùa Đại Bi này để thắp nén tâm hương. Đến với ngôi chùa, trong ngan ngát hương trầm và dưới ban thờ Phật, người Việt xa quê có cảm giác quê hương như đang hiện hữu ở ngay bên mình, như câu thơ của một nhà sư: “Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông”. 

Chị Phan Bích Thiện định cư ở Hungary đã nhiều năm và là người phụ nữ thành công trong cộng đồng người Việt, cũng như nổi tiếng ngay cả với người bản xứ với vai trò là Giám đốc Khách sạn Lâu đài Fried. Tháng 10-2020, chị là nhân vật trang bìa của Tạp chí Phụ nữ Thành đạt với thành tích đưa Khách sạn Lâu đài Fried vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19. Bên cạnh vai trò một doanh nhân thành đạt, cái tên Phan Bích Thiện luôn được biết đến với tư cách một người năng động trong kết nối cộng đồng; thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa người Việt ở Hungary với cộng đồng người bản xứ. Không chỉ vận động xây dựng chùa Đại Bi, chị cũng là người thúc đẩy ý tưởng xây dựng Đài Kỷ niệm tình hữu nghị Hungary - Việt Nam tại thành phố Paks. Đài Kỷ niệm tuy quy mô không lớn, nhưng đã thể hiện biểu tượng hai dân tộc, với hình ảnh của: hươu thần, hoa văn tiêu biểu của đất nước Hungary và hình ảnh trống đồng, đại diện cho văn hóa Việt Nam. Chị cũng là người tham gia tổ chức nhiều diễn đàn, các cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa doanh nghiệp, doanh nhân hai nước, tham gia tổ chức triển lãm về biển, đảo Việt Nam… Trong đợt dịch Covid-19 này, chị tích cực hỗ trợ cộng đồng người Việt vượt qua khó khăn, nhất là dành sự quan tâm tới những người chưa biết, chưa thạo tiếng Hungary.

Mỗi khi nói đến cộng đồng người Việt, chị Phan Bích Thiện luôn cảm thấy tự hào về quê hương và luôn coi những đóng góp của mình còn nhỏ bé, cần cố gắng nỗ lực hơn nữa. Chị Thiện mong muốn cộng đồng người Việt ở nước ngoài không chỉ kết nối, đoàn kết ở từng quốc gia, mà còn kết nối ở nhiều nước, thúc đẩy tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

20_1-1622192606555.jpg
 Chị Phan Bích Thiện (thứ ba, từ phải qua trái) trong lễ khánh thành chùa Đại Bi.