Trong thanh âm giáo đường

NDO -

Mỗi lần về Nam Định là mỗi dịp tôi được thêm trải nghiệm với vùng đất có hàng trăm nhà thờ lớn nhỏ, kiến trúc cổ điển theo phong cách gothic độc đáo. Vẻ đẹp của những ngôi giáo đường với tiếng chuông, lời thánh ca ngân vang cũng thu hút nhiều du khách.

Nhà thờ Phạm Pháo, xứ sở của kèn đồng. Ảnh: ĐỒNG HIẾU
Nhà thờ Phạm Pháo, xứ sở của kèn đồng. Ảnh: ĐỒNG HIẾU

Biết bao lần, tôi làm “xế” chở bạn đến chiêm ngưỡng những ngôi giáo đường cổ kính bằng xe máy. Dù đã bao năm “ngụp lặn” trong lối sinh hoạt, kiến trúc nhà thờ ở quê mình, song tôi vẫn luôn cảm nhận được những điều mới mẻ từ vẻ đẹp mỗi công trình kiến trúc đồ sộ này.

Huyện Xuân Trường có nhiều công trình độc đáo như nhà thờ Phú Nhai và nhà thờ Đền thánh Kiên Lao. Nhà thờ Phú Nhai (xã Xuân Phương) có tháp cao 44 m, mái nhà thờ cao 30 m, thánh đường dài 80 m, rộng 30 m. Các bức tượng được đắp nổi trên cửa và phía ngoài nhà thờ cùng với các hàng chữ trang trí đã tạo nên một nét riêng biệt. Bước vào phía trong, lập tức bị thu hút bởi các phù điêu, họa tiết hình vòm cao vút mang vẻ đẹp lộng lẫy, hoành tráng. Nhà thờ Đền thánh Kiên Lao, tọa lạc tại xã Xuân Tiến có hồ nước và những dãy đèn đường trang nghiêm nhưng thơ mộng. Nhà thờ Trung Linh ở xã Xuân Ngọc, nhìn từ xa đẹp như tranh, là điểm đến để chụp ảnh cưới của nhiều cặp đôi.

Ngoài kiến trúc nhà thờ, phần lớn các giáo xứ, giáo họ ở Nam Định thành lập được ca đoàn, đội kèn đồng độc đáo, phục vụ các thánh lễ, và góp phần tạo nên niềm vui cho cuộc sống. Sớm nhất cả nước phải kể đến giáo xứ Phạm Pháo, đội kèn được lập cùng với thời điểm xây cất ngôi nhà thờ vào năm 1908. Phạm Pháo cũng nổi tiếng với xưởng đúc kèn của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Cường, nơi làm ra nhiều loại kèn đồng cung cấp cho các đội kèn trong vùng. Xứ Phạm Pháo có chín giáo họ lẻ nhưng có tới 10 đội kèn phục vụ giáo hội và xã hội. Vào những ngày lễ lớn, trước khi dịch Covid-19 hoành hành, nhạc công của các đội kèn hội tụ đến 800 người hòa tấu, tạo nên những hòa thanh tuyệt diệu. Các đội kèn không chỉ phục vụ trong thánh lễ mà còn phục vụ đám hỷ, đám hiếu, tiễn thanh niên giáo xứ lên đường nhập ngũ; hoặc đi giao lưu, dạy các đội kèn mới lập và phục vụ ở một số sự kiện của quốc gia.

Về Nam Định cũng không thể bỏ qua nhà thờ Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực) nơi có những giáo dân rất yêu văn nghệ. Báo Đáp được mệnh danh là “làng văn nghệ” bởi có nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ người công giáo. Phong trào học tập văn hóa, tập chơi nhạc cụ luôn được nêu cao trong các dòng họ. Báo Đáp cũng có đội kèn đồng hơn 100 người, có ca đoàn với nhiều người sở hữu giọng hát hay, luôn tích cực bồi dưỡng cho con, cháu để dự thi vào các trường nghệ thuật trên cả nước. “Nghệ sĩ làng” Bùi Đắc Điềm, thầy dạy nhạc ở Báo Đáp tự hào: “Đến giáo xứ tôi, vào những ngày lễ sẽ được thưởng thức thánh ca được hát bằng chất giọng khá chuyên nghiệp do những người nông dân thể hiện. Nhiều em nhỏ có thể chơi được hai, ba loại nhạc cụ”.