PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương:

Tin tưởng và trao quyền nhiều hơn cho người trẻ

Việc khuyến khích thế hệ trẻ tham gia phát triển văn hóa được xem là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa lớn trong nỗ lực trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam về vấn đề này.

Tin tưởng và trao quyền nhiều hơn cho người trẻ

- Thưa bà, bà có thể chia sẻ quan điểm về vai trò của thế hệ trẻ trong những nỗ lực bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc?

- Sự phát triển của một nền văn hóa bao hàm sự nối tiếp của các giá trị văn hóa truyền thống và sự hình thành nên các giá trị văn hóa đương đại. Mặt khác, để tạo nền tảng cho sự phát triển văn hóa bền vững thì nền văn hóa ấy phải có khả năng hội nhập với nền văn hóa chung của nhân loại.

Đất nước chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và rất may mắn, chúng ta đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Trong cơ cấu này, người trẻ (18-35 tuổi) chiếm tỷ lệ lớn, nếu chúng ta biết khai thác, phát huy, sẽ tạo ra động lực có tính đột phá của quốc gia trong tiến trình phát triển. Tuổi trẻ là thời kỳ mà khả năng sáng tạo ở đỉnh cao, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa. Làm thế nào để họ phát huy giá trị truyền thống, kết nối được truyền thống với hiện tại và tạo ra những sản phẩm/dịch vụ văn hóa thể hiện được bản sắc của Việt Nam, sự sáng tạo Việt Nam? Tôi cho rằng, câu trả lời là phải tập trung vào phát huy năng lực sáng tạo, khơi dậy khát vọng cống hiến của giới trẻ.

Một khi chúng ta chuyển hóa được tài nguyên di sản văn hóa vật thể và phi vật thể Việt Nam vào đời sống đương đại, thông qua những dịch vụ và sản phẩm văn hóa, chúng ta sẽ có thêm nhiều cơ hội tạo ra được tăng trưởng công ăn việc làm, thu nhập bình quân đầu người và góp phần định vị bản sắc Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Thực tế, người sử dụng sản phẩm/dịch vụ văn hóa chứa đựng yếu tố sáng tạo thường thuộc tầng lớp trung lưu, có khả năng chi trả cao. Để thu hút và tăng sức mua đối với tầng lớp này, cần phải tăng hàm lượng sáng tạo, tính độc đáo và khả năng ứng dụng của các dịch vụ, sản phẩm văn hóa. Kinh nghiệm ở những quốc gia có nền công nghiệp sáng tạo phát triển đã cho thấy, người trẻ luôn là hạt nhân của nền văn hóa sáng tạo.

Tin tưởng và trao quyền nhiều hơn cho người trẻ -0
 Một số mẫu thiết kế tham dự Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2020. Ảnh: Vietnam Design Group

- Vậy từ nền tảng quan điểm này, bà có thể đưa ra một số tham vấn căn bản cho các nhà hoạch định chính sách liên quan?

- Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia mà chúng tôi có dịp tìm hiểu, nghiên cứu về chính sách văn hóa của họ.

Thí dụ, Hàn Quốc rất xem trọng việc tổ chức các cuộc thi trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dành cho người trẻ, từ nghệ thuật biểu diễn đến thiết kế, điện ảnh, nghệ thuật đương đại... Các cuộc thi chính là nơi hội tụ ý tưởng sáng tạo. Điểm đặc biệt là trong thành phần ban giám khảo các cuộc thi đó, luôn có đại diện của các tập đoàn kinh tế và đây chính là nhà tài trợ-bảo trợ/đầu tư cho tác phẩm/ý tưởng được giải. Khi hỏi bí quyết để công nghiệp văn hóa Hàn Quốc phát triển, họ đã trả lời chúng tôi là "thi và thi".

Việc ưu đãi thuế và các thủ tục hải quan cũng là khía cạnh cần được các nhà quản lý quan tâm trong việc thúc đẩy sự đầu tư cho sản phẩm/dịch vụ văn hóa đặc thù. Thí dụ, Trung Quốc dành ưu đãi thuế xuất khẩu sản phẩm văn hóa bằng 0; các thủ tục hải quan liên quan đến sản phẩm văn hóa, đặc biệt là sản phẩm trong giao lưu hợp tác văn hóa được giải quyết rất nhanh chóng.

Người trẻ có sức trẻ, có sự sáng tạo nhưng lại không có cơ sở hạ tầng như vật chất, kinh phí, thiếu nền tảng công nghệ để triển khai, phát huy hết khả năng của họ. Do vậy, việc thành lập các quỹ đầu tư và tài trợ chú trọng vào giới trẻ là rất quan trọng. Bên cạnh đó, họ rất cần có các không gian phù hợp để nói lên tiếng nói của chính mình; đó nên là các diễn đàn dành cho họ, hình thành nên cộng đồng và mạng lưới của người trẻ và người trẻ sáng tạo. Họ cần được tin tưởng, trao quyền và tôn trọng. Tôi còn nhớ, tại hội thảo trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam (VNDW 2021) với chủ đề Đánh thức truyền thống, nhiều ý kiến của bạn trẻ đều chung quan điểm: trong tâm trí họ, truyền thống chưa bao giờ cần đánh thức mà luôn chảy, hòa với dòng suy nghĩ sáng tạo của họ; điều họ cần là những sản phẩm sáng tạo từ truyền thống của họ được ghi nhận, tôn trọng và lan tỏa. Chia sẻ đó khiến chúng tôi rất cảm động, cảm thấy được giảm bớt áp lực và thêm niềm tin tưởng vào người trẻ.

- Bên cạnh việc thu hút người trẻ tham gia vào việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa sáng tạo, việc khuyến khích họ tham dự vào công cuộc nghiên cứu bài bản, chuẩn mực về bản sắc văn hóa nghệ thuật Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hiện nay, cũng có ý nghĩa rất quan trọng để góp phần giữ gìn truyền thống cho tương lai. Hoạt động này ở Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cơ quan nghiên cứu và tham vấn chính sách văn hóa nghệ thuật hàng đầu của đất nước, đã và đang diễn ra như thế nào, thưa bà?

- Thực tiễn, nghiên cứu là một nghề khắc nghiệt trong bối cảnh đất nước đang phát triển và còn nhiều khó khăn. Những khó khăn về kinh phí, những đòi hỏi chính đáng và khắt khe về chất lượng công trình nghiên cứu, và lộ trình giảm biên chế trong một viện nghiên cứu của Nhà nước khiến việc thu hút người trẻ tham gia công tác nghiên cứu cơ bản không mấy dễ dàng. Trong bối cảnh đó, Viện đang có nhiều thay đổi về cách thức động viên, hỗ trợ, trao quyền và tạo sự bình đẳng trong công việc chuyên môn. Sau khi chúng tôi đã trao quyền phụ trách một công việc, một nhiệm vụ nghiên cứu cho người trẻ, chính lãnh đạo, quản lý sẽ là cộng sự đồng hành, tuân theo sự phân công công việc (nếu có) của họ và chia sẻ kinh nghiệm xử lý công việc với họ. Từ đó, người trẻ cảm thấy tự tin hơn, tự thấy cần có trách nhiệm hơn với công việc và họ tâm huyết nhiều hơn. Những chuyển biến tích cực ấy khơi dậy trong họ nhiều hơn tiềm năng sáng tạo, cống hiến.

Cứ từng bước như vậy, chúng tôi có niềm tin rằng, trong thế hệ nghiên cứu trẻ hôm nay sẽ có những nhà nghiên cứu trưởng thành, khẳng định bản thân và nối tiếp các sứ mệnh được giao trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

- Chân thành cảm ơn chị!