Sức sống làng chiếu Định Yên

Giữ bền sức sống, chiếu lác Định Yên (xã Định Yên, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) ngày nay vẫn là một thương hiệu uy tín, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống Nam Bộ với hàng triệu chiếc chiếu được tiêu thụ mỗi năm.

Công đoạn nhuộm sợi góp phần làm nên những sản phẩm đẹp.
Công đoạn nhuộm sợi góp phần làm nên những sản phẩm đẹp.

Những dòng họ lâu đời ở làng Định Yên cho biết, năm xưa ông bà họ từ đồng bằng ven biển Thái Bình, Nam Định di cư vào phương nam lập nghiệp. Khi đi, họ đã mang theo nghề dệt chiếu truyền thống của ông cha mình để làm kế sinh nhai. Vùng đất Định Yên có nhiều bãi bồi phù sa ven sông rất thuận lợi cho cây bố và cây lác (nguyên liệu chính cho nghề dệt chiếu) phát triển. Nhờ nghề chiếu ăn nên làm ra mà làng Định Yên sớm phát triển, đến năm 1910 hình thành vùng dệt chiếu nổi tiếng và cung ứng cho khắp các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Chiếu lác Định Yên phong phú với nhiều chủng loại, mẫu mã và kích thước, như: chiếu bông vuông hình con cờ, chiếu bông động phòng hoa chúc, chiếu hoa văn, chiếu vẩy ốc, chiếu cổ...

Ông Nguyễn Văn Nên ở ấp An Lợi A cho biết, vào những năm 80 của thế kỷ trước, làng nghề chiếu trở nên cực thịnh với gần 1.000 nhân công, có khi dệt cả ban đêm. Sản phẩm lúc bấy giờ được bán đi khắp nơi trong cả nước và còn được xuất khẩu sang nhiều nước Đông Âu, Liên Xô trước đây, Thái Lan, Campuchia…

Năm 2013, nghề dệt chiếu Định Yên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cả làng nghề mỗi năm dệt được từ 900.000 đến một triệu chiếc. Một số hộ đưa máy dệt vào sản xuất, và vẫn còn nhiều hộ giữ cách dệt thủ công. Bà Phạm Thị Y ở ấp An Khương cho biết, mỗi ngày bà và người con dệt tay cũng được sáu chiếc chiếu bông, mỗi chiếc bán với giá 22 nghìn đồng. Trừ chi phí cũng thu nhập được khoảng 100 nghìn đồng/ngày.

Để có một chiếc chiếu thành phẩm, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn: Trước hết là chọn sợi lác, nấu nước nhuộm từ phẩm mầu, sau đó nhuộm từng bó lác sao cho vừa đủ thấm mầu, không quá đậm. Chị Nguyễn Thị Hợi, người làm nghề hơn 15 năm chia sẻ: “Sau khi nhuộm mầu xong phải đem phơi nắng vài giờ cho khô rồi mới đưa vào dệt. Nếu dệt máy thì chỉ cần một người vận hành và cho “ăn”. Còn nếu dệt tay thì cần có hai người, một người cầm cây dệt để dệt và một người cầm cây chùi để cho lác vào khung”.

Trước đây, người dệt phải đem chiếu ra chợ được họp vào lúc đêm khuya. Ngày nay, giao thông thuận tiện, thương lái từ nhiều nơi đến đặt hàng và thu mua tại chỗ nên việc cung ứng chiếu ra thị trường ngày một ổn định, nhanh chóng và tiện lợi. Chiếu Định Yên đã được đăng ký thương hiệu, có bao bì và quy trình sản xuất khoa học, được đưa vào bán ở nhiều hệ thống siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc. Nghề dệt chiếu không chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa của một vùng đất mà còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế ổn định.