Sinh kế bền vững cho đồng bào Khmer Tây Nam Bộ

Đời sống của đồng bào Khmer Tây Nam Bộ còn nhiều khó khăn bởi phần lớn số dân sinh sống ở vùng sâu, phân tán, đi lại khó khăn, phương thức sản xuất, tập quán canh tác còn mang nặng tính tự cấp, tự túc, dựa nhiều vào tự nhiên. Xây dựng cơ chế chính sách thế nào để góp phần mang lại đời sống ấm no cho bà con là một bài toán khó.

Mô hình nuôi bò sữa của đồng bào Khmer Sóc Trăng.
Mô hình nuôi bò sữa của đồng bào Khmer Sóc Trăng.

Kỳ 1 : Thước đo từ thực thi chính sách

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, đầu tư về vốn, giống và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer Tây Nam Bộ ngày càng cải thiện, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất đồng bằng sông Cửu Long với hơn 35% số dân; trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 30%. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, Sóc Trăng luôn lấy kết quả giảm nghèo làm mục tiêu và điều kiện để bảo đảm cho sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đến cuối năm 2020, đã có hai đơn vị cấp huyện và 50 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 57.814 hộ, tỷ lệ 17,89% (năm 2016) đã giảm xuống còn 8.617 hộ, tỷ lệ 2,66% (năm 2020); bình quân hằng năm giảm hơn 3%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo người Khmer giảm hơn 4,5%.

Anh Thạch Sơn, ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú nhớ lại quãng đời vất vả mưu sinh của mình: sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự anh trở về quê lập gia đình. Vợ chồng anh được cha mẹ cho vỏn vẹn hai công đất trồng lúa, dù bươn chải làm thuê quanh năm mà nuôi con vẫn chật vật. Khi Hội Nông dân ấp Khoan Tang mở lớp tập huấn nuôi bò, anh Sơn là một trong những thành viên đầu tiên tích cực tham gia.

Với số vốn được vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, từ hai con bò giống ban đầu đến nay mô hình nuôi bò của anh Sơn thành công khi có cả đàn bò chục con to khỏe. Có vốn, gia đình anh xây thêm chuồng trại để chăn nuôi thêm lợn. Nhờ chịu khó học hỏi, vợ chồng chung sức, chung lòng, chú tâm làm ăn, nên kinh tế dần ổn định, các con được học hành đến nơi, đến chốn.

Đối với Trà Vinh, tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer chiếm gần 32% số dân toàn tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh đã thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, qua đó đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng cải thiện. Tiêu biểu như ông Thạch Hoài Phong, ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang là nông dân điển hình thoát nghèo nhờ thụ hưởng các chính sách hỗ trợ hộ nghèo của Đảng, Nhà nước.

 Ông Phong kể, trước đây gia đình được Nhà nước hỗ trợ xây cất nhà ở và được tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 25 triệu đồng. Nhận vốn, ông mạnh dạn phát triển trồng các loại cây hoa màu trên năm công đất. Có vốn tích lũy, ông vay mượn thêm để mua máy gặt đập liên hợp và gặt lúa thuê cho nông dân trên địa bàn xã. Trung bình mỗi vụ, ông gặt thuê khoảng 600 ha, thu về khoảng 50-60 triệu đồng sau khi đã khấu trừ chi phí.

Ở huyện miền núi Tịnh Biên của tỉnh An Giang, nơi có hơn 27.000 người Khmer sinh sống, hằng năm Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện tổ chức khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của phụ nữ và nhu cầu của các đối tượng phụ nữ dân tộc thiểu số. Thông qua đó, thường xuyên chủ động tiếp cận, khai thác các nguồn vốn để hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của các hộ…

Theo Vụ Địa phương III- Ủy ban Dân tộc, từ đầu năm 2021 đến nay, thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg của Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020, tổng kinh phí các địa phương nói trên đã triển khai thực hiện gần 68 tỷ đồng với tổng số 7.161 hộ thụ hưởng.

Đồng thời, tiếp tục giải ngân kinh phí cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong tổng kinh phí đã được phân bổ hơn 54 tỷ đồng để tạo quỹ đất phát triển sản xuất hoặc chuyển đổi nghề cho các hộ thụ hưởng. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực nghiên cứu, tìm tòi học hỏi và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách của Đảng, Nhà nước, cùng sự nỗ lực tự vươn lên của bản thân, nhiều hộ đồng bào Khmer đã trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

(Còn nữa)