Quê hương, chốn yên bình

Mang đến cơ hội giúp người dân mở mang, phát triển sản xuất ngay ở quê nhà đang là lựa chọn được nhiều chính quyền địa phương chú trọng. Nhờ đó, ở nhiều vùng, miền còn khó khăn, mầu xanh đã được ươm mầm, và bà con đã có thêm lựa chọn, ở lại làm chủ trên mảnh đất của mình.

Gia đình anh Lò Văn Khặn ở Sơn La được vay vốn để nuôi cá bè. Ảnh: THU THẢO
Gia đình anh Lò Văn Khặn ở Sơn La được vay vốn để nuôi cá bè. Ảnh: THU THẢO

Ðồng hành cùng người lao động

Toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 20 nghìn lao động từ các nơi trở về quê hương trong thời gian dịch Covid-19. Trong đó, khoảng 80% là lao động từ các tỉnh, thành phố phía nam. Do mất việc làm, người dân, nhất là cư dân vùng núi cao, trở về quê gặp khó khăn. Tìm cơ hội việc làm, phát triển kinh tế gia đình cho bà con hồi hương là mối trăn trở lớn của chính quyền cơ sở. Nhiều huyện của Quảng Ngãi đã mở ra hướng đi mới, cùng nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể, trực tiếp giúp người dân không ly hương, ly nông.

Sau gần một năm từ thành phố trở về nhà, vợ chồng chị Phạm Thị Xi (người H’Re) ở xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ đã an tâm với công việc mới. Ba sào đất rẫy trồng mì không hiệu quả, chị chuyển sang trồng ngô sinh khối. Giống, phân được ngành nông nghiệp hỗ trợ, chị bỏ công chăm sóc gần ba tháng, thu được sáu tấn ngô. "Được cán bộ huyện, xã hướng dẫn nên mình biết cách làm. Có người thu mua hạt ngô luôn nên yên tâm. Giờ mình không đi lột vỏ keo, làm thuê ở xa nữa", chị Xi chia sẻ.

Quảng Ngãi hiện có 350 ha trồng ngô sinh khối và đang hướng đến mục tiêu hình thành mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi. Tại các huyện miền núi, ngô sinh khối cùng các cây trồng công nghiệp đang mở hướng đi mới cho nông dân. Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ cho biết: "Sau nhiều năm thử nghiệm các mô hình ở miền núi Ba Tơ, chúng tôi nhận thấy, trồng ngô sinh khối cung ứng cho các nhà máy chăn nuôi là phù hợp. Từ đó, địa phương định hướng phát triển vùng nguyên liệu, giúp bà con ở lại làng, không đi làm thuê các tỉnh khác nữa. Làm kinh tế tại vùng đất có sẵn sẽ ổn định dài lâu cho bà con".

Hiện nay, các cấp cơ sở tại Quảng Ngãi triển khai nhiều biện pháp thực tế, phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền. Trong đó, ưu tiên mở rộng đối tượng vay vốn, vận động nhà máy, xí nghiệp tuyển dụng lao động theo độ tuổi, tay nghề; bám sát nhu cầu vốn, việc làm, đào tạo nghề từ các xã, khu dân cư… từ đó có hướng hỗ trợ phù hợp. Giải pháp này giúp người dân có thu nhập, hạn chế ly nông, ly hương đi làm thuê ở các tỉnh xa. Ông Đinh Xuân Sâm, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết, địa phương chủ động kết nối với các nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn huyện tiếp nhận các lao động phù hợp với tay nghề, giải quyết việc làm cho người lao động về quê vì đại dịch.

Nở rộ những cách làm hay

Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An, Thanh Hóa hay tại Điện Biên, Sơn La… có không ít cách làm kinh tế mới phù hợp điều kiện, trình độ người dân, đáp ứng nhu cầu việc làm của nhiều thanh niên từ các đô thị ngoại tỉnh trở về địa phương do ảnh hưởng dịch bệnh. Trong đó, có mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi vừa và nhỏ ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Hai năm qua, mô hình này phát triển mạnh cả về số lượng lẫn hiệu quả hoạt động. Cũng tại huyện Mường Lát (vùng có hơn 90% người dân tộc H’Mông và Thái sinh sống), các mô hình trồng cây ăn quả, trồng lúa nước, trồng cây luồng cũng được đầu tư, quan tâm. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mường Lát, bằng nhiều nguồn vốn và chương trình khác nhau, huyện Mường Lát đã triển khai hơn 100 mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hút gần 15 nghìn lượt hộ dân tham gia.

Tại Sơn La, các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, ưu tiên đầu tư giảm nghèo bền vững, giải quyết những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong sản xuất... là những ưu tiên được đặt ra.

Toàn tỉnh Sơn La hiện có hơn 600 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó, hơn 300 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt. Đặc biệt, trong hơn một năm qua, nhiều mô hình sản xuất rồi các hợp tác xã đã giúp đỡ hiệu quả cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiều thanh niên trước đây đi làm ăn xa, nay ở lại địa phương tham gia các mô hình trồng cây ăn quả. Sơn La hiện là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền bắc và đứng thứ hai cả nước với hơn 82.000 ha cây ăn quả.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ bằng nhiều giải pháp để tổ chức sản xuất sạch. Thêm nữa, tỉnh đã thay đổi tư duy của người sản xuất và thay đổi tư duy của chính đồng bào dân tộc thiểu số khá nhanh bằng cách ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất. Việc chọn tạo giống, hỗ trợ cho chuyển đổi mô hình sản xuất, hỗ trợ cho phát triển hợp tác xã và đưa đồng bào đi học tập kinh nghiệm, rồi tạo nên các kênh để đưa hợp tác xã tham gia mở rộng thị trường thông qua kết nối tiêu thụ sản phẩm và hướng tới sản xuất hàng hóa lớn cũng được thực hiện tốt. Sơn La còn thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến rau, quả, nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.

Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của người dân, người dân tộc thiểu số đã mang lại sự đổi thay cho nhiều vùng, miền vốn còn nhiều khó khăn. Điều đó không chỉ góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh bình thường mới mà còn thể hiện rõ vai trò quan trọng của cấp ủy, chính quyền trong những việc khó.