Ðóa hoa Tây Côn Lĩnh

Ở vùng đất của ruộng bậc thang quanh năm mây trắng, người ta thường nhắc đến chị Vương Thị Thảo (dân tộc Cơ Lao), cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) như một tấm gương lan tỏa khát vọng và nỗ lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Chị Thảo đã góp phần tạo sự thay đổi lớn trong quan niệm về vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng dân tộc Cơ Lao.

Chị Vương Thị Thảo (bên trái) phổ biến pháp luật cho chị em người Dao.
Chị Vương Thị Thảo (bên trái) phổ biến pháp luật cho chị em người Dao.

20 tuổi vào tiểu học

Con đường từ Túng Sán xuống huyện gần 30 km toàn đường núi quanh co từng in dấu chân quen của cô học sinh đặc biệt. Vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại xã Túng Sán, địa bàn xa xôi, hẻo lánh nhất của huyện Hoàng Su Phì, Vương Thị Thảo chịu cảnh thất học và lấy chồng sớm từ năm 16 tuổi. Nhưng chỉ bốn năm sau đó, chị mạnh dạn nộp đơn xin vào học lớp 1, hệ bổ túc văn hóa tại trung tâm huyện. Vậy là, trong nhiều năm đằng đẵng, dù lam lũ, cực nhọc đến thế nào, chị Thảo vẫn đến lớp và hoàn thành chương trình trung học phổ thông. Chị trở thành người phụ nữ Cơ Lao đầu tiên ở Túng Sán biết chữ. Rồi chị Thảo được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Túng Sán.

Ðóa hoa của núi rừng còn tiếp tục mang đến những bất ngờ. Chị Thảo theo học hệ tại chức tại Trường đại học Văn hóa Hà Nội và tiếp tục trở thành người phụ nữ Cơ Lao đầu tiên tốt nghiệp đại học. Quyết tâm trở về miền rừng Túng Sán để xây dựng quê hương, chị luôn là một trong những điển hình tích cực vận động chị em trong xã, trong huyện đi học và vận động các gia đình đưa trẻ đến trường.

Những phụ nữ Cơ Lao bấy lâu nay chỉ quen cúi mặt sau lưng trâu, lặng lẽ nơi góc bếp giờ đây tự hào khi có gần 50 chị em, vốn mù chữ, đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhiều chị em còn tiếp tục phấn đấu học cao hơn tại các trường sư phạm của tỉnh Hà Giang.

Lựa chọn của nữ đại biểu

Năm 2002, nỗ lực vượt bậc của Vương Thị Thảo đã giúp chị nhận được sự yêu thương, tín nhiệm của người dân Hà Giang và trở thành Ðại biểu Quốc hội khóa XI của tỉnh Hà Giang. Chị Thảo chia sẻ: "Tôi ý thức rất rõ trọng trách của người đại diện cho nhân dân là phải làm sao truyền tải được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào đến nghị trường và đưa được các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước với bà con dân tộc thiểu số". Là người có uy tín đối với nhân dân các dân tộc nơi đây, lại thông thạo nhiều thứ tiếng Dao, Nùng, Tày, H’Mông…, chị Thảo dễ dàng gần gũi, gắn bó với bà con và trở thành một tuyên truyền viên tích cực của huyện Hoàng Su Phì. Không chỉ giỏi công tác chuyên môn, chị Vương Thị Thảo được công nhận là một nghệ nhân dân gian có tài năng và tâm huyết khi thuộc nhiều bài dân ca, dân vũ độc đáo của dân tộc mình. Những bài ca của núi rừng Tây Côn Lĩnh đã theo tiếng hát của chị mà vang lên trong nhiều liên hoan, hội diễn dân ca trong cả nước.

Hoàng Su Phì mùa này đang thơm hương nếp mới với trập trùng ruộng bậc thang ken chân dẫn lên đỉnh trời. Ở nơi ấy, trong những phiên chợ vùng cao, bạn có thể sẽ nhận ra Vương Thị Thảo với mầu áo xanh thân thương đang tham gia tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật cho bà con. Người phụ nữ ấy mong muốn bà con mình khi tan chợ rồi trong gùi có đồ dùng, có thực phẩm, trong tâm có niềm vui và có cả những kiến thức cần thiết cho cuộc sống.