Những bông hoa đẹp

Niềm vui của nữ già làng

Niềm vui của nữ già làng Keo Ônl (trong ảnh) chính là làm từ thiện, và người phụ nữ Khmer 7X này bỏ công sức, uy tín của mình ra kêu gọi sự hỗ trợ cho bà con Khmer nghèo trong ấp.

Niềm vui của nữ già làng

Công việc đời, đạo cứ tiếp diễn như thế hơn 10 năm qua, "kể từ khi Keo Ônl mình chỉ mới là thường dân, chưa phải là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, già làng ấp Bố Lớn (xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) như bây giờ đâu", chị cười chất phác khi được hỏi thăm về "chức vụ". Gọn lại là như thế này, vốn có khiếu nấu ăn, mỗi khi bà con trong ấp có tiệc cưới hay ma chay cần người giúp, chị Keo Ônl đều sẵn lòng. Vì thế mà bà con Khmer trong ấp, trong xã đều xem Keo Ônl như người thân. Mà cũng vì thế, nữ già làng biết tất tần tật hoàn cảnh của từng hộ, từng người, từng ngóc ngách trong ấp, trong xã. Làm chuyện "vác tù và" nhiều năm, Keo Ônl được bà con bầu chọn làm già làng ấp Bố Lớn.

Bố Lớn là ấp của người Khmer nghèo tại biên giới, nơi có cột mốc 148 phân chia giới tuyến với nước bạn Campuchia. Bởi vậy mới nói, dù chỉ kiếm mỗi ngày khoảng 100 nghìn đồng nhưng ba năm nay, Keo Ônl đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương được gần 500 phần quà, trị giá hàng trăm triệu đồng và vài mái ấm tình thương cho chị em trong ấp. Bên cạnh đó, nữ già làng còn là "cánh tay đắc lực" của chính quyền, Bộ đội Biên phòng trong việc tuyên truyền pháp luật đến với nhân dân, nhất là phong trào nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc.

Thiếu tá Hồ Ngọc Sơn, Phó Ðồn Biên phòng Phước Tân kể: "Có Keo Ônl là cán bộ, chiến sĩ chúng tôi an tâm vì chị rất "máu lửa". Chị luôn đi đầu trong các phong trào, đặc biệt là giảm nghèo và bảo vệ biên giới. Với cán bộ, chiến sĩ đồn, từ lâu chị đã như người nhà, rất thân thiết và giàu tình cảm. Khi đồn ngỏ ý giúp chị vật chất, chị đã từ chối để dành phần đó cho người khác. Chị chỉ nhận cho mình một đôi heo giống để chăm nuôi, sau này giúp chị em khác khi heo sinh sản".

Chỉ trong năm qua, Keo Ônl đã vận động xây tặng bốn căn nhà tình thương (trị giá 55 triệu đồng/căn), chín nhà vệ sinh tự hoại, xin đất đổ nền xây nhà cho bà con nghèo, sửa lại đường đi, xin hỗ trợ bò cho nhiều hộ… trong lúc nhà chị vẫn đang dột mái, hỏng cột kèo. Chị cười khi người đối diện ái ngại: "Mình vui vì thấy bà con có chỗ ở tốt hơn, mình đi tìm niềm vui từ những công việc làm như vậy thôi. Khi xưa mình khổ lắm, giờ tạm đủ ăn, chưa cần nhà cửa cao sang đâu".

Ban Dân tộc tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện tỉnh có 74 cán bộ là người dân tộc thiểu số công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Số lượng người dân tộc thiểu số như Keo Ônl tham gia các tổ chức chính trị - xã hội là 5.176 người; 100% số cán bộ công chức cấp xã được đào tạo. Ở các vùng dân tộc thiểu số, 100% số đường trục liên xã đã được nhựa hóa, bê-tông hóa và hơn 80% đường trục ấp được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật được quy định trong Chương trình xây dựng nông thôn mới; 100% số hộ sử dụng điện thường xuyên; 100% số hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; các xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông, internet đến hầu hết các ấp; 100% số hộ gia đình được xem truyền hình; 100% số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và có bác sĩ làm việc; toàn Đảng bộ tỉnh có 194 đảng viên là người dân tộc thiểu số; 100% số ấp, khu phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có chi bộ đảng.

Trong số năm đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam vừa qua, nữ già làng Keo Ônl là gương mặt nhận được sự tín nhiệm cao của cả người dân và chính quyền.