Nhịp cầu bắc đến tương lai

"Dịch giã phải học online thế này, trẻ em nhà nghèo biết làm thế nào?!". Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đã từng bất giác thốt lên câu cảm thán ấy. "Chuyển đổi số" đã trở thành xu hướng tất yếu. Song, để xây dựng những thế hệ "công dân số" tương lai, không thể thiếu nền tảng trang thiết bị kỹ thuật.

Quỹ Hy vọng và Tập đoàn FPT hỗ trợ thiết bị máy tính bảng cho học sinh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tham gia học trực tuyến. Ảnh: Trường Hà
Quỹ Hy vọng và Tập đoàn FPT hỗ trợ thiết bị máy tính bảng cho học sinh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tham gia học trực tuyến. Ảnh: Trường Hà

1 Chỉ một tháng sau khi được chính thức phát động, chương trình "Sóng và máy tính cho em" - do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Ðào tạo, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - đã đạt được những dấu mốc rất đáng ghi nhận.

Hơn 89 tỷ đồng, hơn 12.550 máy tính bảng, hơn 16.000 điện thoại thông minh cùng khoảng 74.500 thiết bị hỗ trợ học tập khác đã được huy động từ các cán bộ - giáo viên ngành giáo dục, các nhà hảo tâm và đặc biệt là các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể… để đến với các em học sinh tại 52 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Nổi bật, riêng ở Thủ đô Hà Nội, tính đến ngày 14/10, sau ba đợt hỗ trợ "Sóng và máy tính cho em", đã có 4.056 học sinh được nhận thiết bị học trực tuyến, với tổng giá trị hơn 15 tỷ đồng.

2 "Sóng và máy tính cho em" thật sự là một chương trình có ý nghĩa lớn lao, như Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong lễ phát động: "Ngoài việc hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn ở vùng dịch thiết bị học trực tuyến, chương trình còn góp phần để chúng ta hướng tới phủ sóng internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng nhằm mục tiêu ứng dụng phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội và nhất là phát triển xã hội số, chuyển đổi số".

Ðó cũng là một chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, như tâm tư mà Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng gửi gắm: "Một chiếc máy tính bảng cũ có thể bị chúng ta bỏ quên ở đâu đó, nhưng lại có thể giúp thay đổi cuộc đời của một em học sinh, giúp em đi học những ngày giãn cách, giúp em tiếp cận kho tri thức nhân loại, giúp các em lớn lên với đầy đủ tri thức để cống hiến lại cho cuộc đời".

Và bên cạnh đó, chương trình cũng là sự cổ vũ lớn lao, là sự xác nhận một nhu cầu có thật. Chính vì thế, sau lễ phát động, "Sóng và máy tính cho em" đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ đông đảo các tầng lớp xã hội. Có những cộng đồng trực tiếp tham gia, chung tay góp sức, như cách hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi: "Ðây là việc làm thiết thực và ý nghĩa, rất mong chư tôn đức tăng ni, đồng bào Phật tử thực hiện vì sự nghiệp trồng người và chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước".

Lại có những nhóm cá nhân âm thầm hành động, điển hình có thể kể tới dự án "Laptop cho em" của một nhóm tình nguyện viên ở Hà Nội. Họ xin các máy tính cũ, hỏng, không sử dụng từ cộng đồng, sửa chữa chúng miễn phí, lắp ghép các linh kiện cũ để tái sinh một chiếc máy tính hay một chiếc điện thoại thông minh, và gửi chúng đến những hoàn cảnh khó khăn đã được xác minh kỹ càng. Ðến ngày 15/10, theo người phát ngôn của dự án - bạn Huyền Machi - nhóm đã gửi 99 thiết bị đến mọi miền đất nước. Con số tuy không lớn, nhưng đong đầy chân tình.

3 Dịch bệnh chưa thể biến mất hoàn toàn. Những ngày giãn cách vẫn có thể trở lại. Nhưng, hơn thế, sóng internet và các thiết bị học tập trực tuyến là những hành trang không thể thiếu của thời đại bùng nổ thông tin, với những kỹ năng bắt buộc về các thao tác và cách tự học qua mạng, để tự mình nắm giữ chìa khóa của kho kiến thức nhân loại khổng lồ.

"Sóng và máy tính cho em", vì thế, phải chăng chỉ nên là điểm khởi đầu của một chặng đường không được phép có điểm cuối? Một hành trình chiến lược, nhằm bắc những nhịp cầu vững chắc vươn đến tương lai cho mọi thế hệ kế cận của Việt Nam! ■ 

Thiên phong