Người H’Mông ở phố

Đất nước Việt Nam hình chữ S tuy nhỏ bé nhưng lại là ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc đều có những tiếng nói, nét văn hóa đặc trưng của mình. Chúng tôi, giới trẻ người dân tộc thiểu số, có còn thực hành các văn hóa, phong tục của mình khi rời xa quê hương, xuống miền xuôi để học tập và sinh sống? Chúng tôi đã làm những gì để bảo tồn và phát huy những giá trị ấy?

Hình ảnh tại "Tết Mông xuống phố" 2021. Nguồn: BTC sự kiện
Hình ảnh tại "Tết Mông xuống phố" 2021. Nguồn: BTC sự kiện

LÀ một cô gái người H’Mông, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Lào Cai có 27 dân tộc anh em sinh sống cùng nhau, tôi tự hào vì mình vẫn luôn cố gắng để tìm hiểu và tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào mình, và các bạn của tôi cũng vậy. 

Ở một môi trường mới, chúng tôi không thực hành văn hóa bản địa bằng cách mặc những bộ trang phục của mình đi giữa phố, chúng tôi cũng không dùng tiếng mẹ đẻ khi đi học hoặc tham gia vào các hoạt động tập thể ở nhà trường. Nhưng chúng tôi cố gắng tạo ra những khoảng không gian dành riêng cho nhóm dân tộc của mình để được trao đổi bằng tiếng mẹ đẻ, được khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống. Điển hình như các câu lạc bộ sinh viên H’Mông hay sự kiện "Tết Mông xuống phố-Xyoo Tshiab Nram Nrooj" được nhiều bạn sinh viên và người dân tại Hà Nội rất quan tâm.

Từ những năm 2016, "Tết Mông xuống phố" được nhóm các bạn sinh viên người H’Mông học tập tại Thủ đô Hà Nội tổ chức, nhằm tạo một không gian ấm cúng như ngày Tết cổ truyền ở quê hương bản quán, để người H’Mông xa nhà có cơ hội được hòa mình vào không khí năm mới cùng bao người anh em trong cộng đồng mình. Hầu hết các bạn sinh viên người H’Mông đều đến từ các tỉnh miền núi, xa gia đình. Ở nhiều nơi, như Sơn La, Hòa Bình, người H’Mông có truyền thống ăn Tết vào những ngày đầu tháng 1 dương lịch, vì vậy nhiều bạn sinh viên không thể về quê ăn Tết vì vướng lịch học. Chương trình bao gồm nhiều hoạt động truyền thống của người H’Mông, như giã bánh dày, ném pao, đánh cầu, đánh tu lu,... Ngoài ra, còn có cuộc thi "Nam thanh, nữ tú-Tub ntxhais Hmoob vam meej" để tìm hiểu sâu hơn về những phong tục của người H’Mông. Đây cũng là cơ hội để những bạn trẻ được thỏa sức thể hiện khả năng của mình qua phần trình diễn ấn tượng như hát dân ca, múa khèn, thổi sáo,…

Mỗi năm, "Tết Mông xuống phố" lại có những chủ đề khác nhau dành cho phần thi tài năng của các bạn sinh viên, như thi tìm hiểu về tục kéo vợ, các loại nhạc cụ dân tộc,… Lượng người tham dự lễ hội cũng rất đông, dao động từ 1.600-2.000 người, bao gồm từ sinh viên, người đi làm và cả bạn bè các dân tộc khác cũng đến xem như Dao, Thái, Nùng,... Sự kết nối này đã giúp cho chúng tôi hiểu về văn hóa của nhau hơn và gắn kết hơn trong các hoạt động của mỗi dân tộc ở thành phố.

Tham gia tổ chức "Tết Mông xuống phố" từ năm 2019, tôi tự hào vì bản thân cũng đã góp được một chút sức lực của mình vào sự thành công của lễ hội. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi với "Tết Mông xuống phố" có lẽ là vào những ngày đầu tháng 1 năm nay, khi sự kiện đã gần như sẵn sàng để chạy thì vì dịch căng thẳng nên chúng tôi cũng rất khó tìm được địa điểm phù hợp. Sau rất nhiều cố gắng, chúng tôi đã có được sự giúp đỡ của nhiều người bạn và cuối cùng, sự kiện đã được tổ chức thật ấm cúng ở bên hồ Hoàn Kiếm.

Ở bản làng tôi cũng vậy, mọi người vẫn duy trì rất nhiều hoạt động truyền thống như nhuộm chàm, may áo truyền thống, tổ chức lễ hội Gầu tào,... Gia đình tôi thường tập trung mọi thành viên vào đêm 30 để giã bánh dày, chuẩn bị cho ngày Tết, sau đó sẽ ngồi gói bánh chưng đến đêm muộn. Tết chính là khoảng thời gian được mong chờ nhất của tất cả mọi người. Chúng tôi thi nhau khoác trên mình những bộ trang phục truyền thống mới tinh để đi chơi hội. Có nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, chẳng còn nhiều người nhớ đến những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình. Theo sự phát triển của xã hội, tôi thấy, có một vài người đã vô tình quên đi tiếng mẹ đẻ của mình, không còn thích mang những bộ trang phục truyền thống H’Mông dày và nóng nữa. Nhưng với cá nhân tôi, bộ váy áo truyền thống khiến tôi cảm thấy bản thân mình trông chững chạc và trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi cũng không cho rằng, ai đó không vận trang phục truyền thống thì tức là không yêu văn hóa tộc người của mình. Tôi vẫn tin tưởng, cũng như bản thân tôi, người H’Mông trẻ tuổi nào cũng luôn trân quý văn hóa của dân tộc mình và trước sau, đều luôn tìm ra cách để cùng gìn giữ và phát huy những nét đặc sắc ấy.

Giờ đây, sau khi tốt nghiệp đại học tôi vẫn luôn cố gắng tham gia các hoạt động cùng những lứa đàn em khác. Tôi dự định sẽ trở về quê hương sau một vài năm học hỏi kinh nghiệm và trau dồi bản thân.

Lồ Thị Sáy tốt nghiệp khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2021, và hiện đang làm trợ giảng tiếng Anh tại một trường phổ thông quốc tế ở Hà Nội.