Một nét văn hóa đặc sắc của người Dao đỏ

Người Dao quan niệm, Thổ công là vị thần thổ địa trông coi, bảo vệ mùa màng và vật nuôi, nên hằng năm phải làm lễ cúng tạ ơn và cầu xin vị thần ấy tiếp tục phù hộ và trông coi mùa màng, vật nuôi cho làm ăn phát đạt hơn. Lễ cúng Thổ công thường thể hiện dưới hai hình thức chủ yếu là cúng riêng tại nhà gọi là: "Síp hành yều" và hình thức cúng chung cả làng hoặc bản gọi là: "Síp chìa on" hay còn gọi là "Chìa ông".

Trang phục truyền thống là một nét đẹp văn hóa được nhiều phụ nữ Dao đỏ gìn giữ. Ảnh: Đăng Khoa
Trang phục truyền thống là một nét đẹp văn hóa được nhiều phụ nữ Dao đỏ gìn giữ. Ảnh: Đăng Khoa

Hình thức cúng riêng tại nhà, cụ thể là gia đình tự bày mâm cúng ngay trước cửa chính nhà mình, lễ vật và ngày cúng hằng năm phải tuân thủ đúng như quy định từ trước của gia đình, không được tự ý thay đổi, lễ vật cũng không được đổi hay thêm, bớt. Những nhà có hình thức áp dụng cúng Thổ công riêng này sẽ không phải tham gia cúng chung cùng bản làng.

Hình thức cúng chung "Síp chìa on" là cả làng hoặc bản góp công sức dựng cái miếu chung thường ở cạnh gốc cây đầu làng hoặc đầu bản để hằng năm đến ngày cúng theo quy định thì trưởng làng, bản huy động gom góp lễ vật, đồ cúng đến hội tụ cúng tại miếu. Chung quanh miếu đó tuyệt đối không được phép chặt bất kỳ cây cối gì kẻo sẽ rung động khiến Thổ thần tức giận, nếu ngôi miếu bị hỏng hóc muốn tu sửa phải tận dụng đúng ngày cúng Thổ công hằng năm. Nếu trường hợp bị mưa gió hay cây đổ làm hỏng ngôi miếu muốn tu sửa hoặc dân làng bản muốn chặt cây to gần miếu để sử dụng thì phải chuẩn bị lễ vật và mời thầy cúng làm lễ cúng báo Thổ công xong mới được làm. Vì thế gần miếu thường có những cây cổ thụ, được coi như linh hồn và chỗ dựa của bản làng, hễ người lạ từ xa đến bản làng người Dao nếu để ý sẽ dễ nhận biết miếu "Chìa On" nơi thờ cúng Thổ công của làng bản đó.

Tục lệ thờ cúng Thổ công là một nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo trong cộng đồng người Dao, cần được bảo tồn, gìn giữ.