Mỏ Ba ngày mới

Vào Mỏ Ba, xóm đặc biệt khó khăn của xã Tân Long (huyện Ðồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), cách ủy ban xã chừng 10 cây số, phải mấy bận vượt đèo. Nằm ở trên núi cao gần 1.000 mét so mực nước biển, đầu thế kỷ 20, nơi đây Pháp đã xây dựng một nhà máy khai thác quặng, nay là Xí nghiệp chì kẽm thuộc một Công ty Kim loại màu. Mỏ Ba vì thế đã được xua tan phần nào sự heo hút, hẻo lánh.

Ðoàn y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 91, Bệnh xá 43 và Ðội Y học dự phòng về Mỏ Ba khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Giang Nam
Ðoàn y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 91, Bệnh xá 43 và Ðội Y học dự phòng về Mỏ Ba khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Giang Nam

Vậy mà vào đầu những năm 2000, Mỏ Ba vẫn được ví von là "Mỏ Ðẻ", khi có nhiều cặp vợ chồng trẻ người H’Mông, lứa tuổi thế hệ 7X đều có từ bốn đến năm, thậm chí sáu đứa con. Trai gái tuổi 16, 17 đã lấy vợ, lấy chồng, trong đó không ít cặp đôi cứ một, hai năm lại cho ra đời một đứa trẻ mà không hề có ý định dừng lại nếu chưa đạt đến… năm con.

Ông Phạm Tuấn Tú, Bí thư kiêm Trưởng xóm Mỏ Ba chia sẻ, xóm có 173 hộ, trong đó có 103 hộ là người dân tộc H’Mông. Trước đây, con đường vào Mỏ Ba là đường đất men theo các sườn núi nên việc đi lại rất khó khăn, kinh tế - xã hội vì thế mà chậm phát triển. Mặt khác trình độ văn hóa thấp là căn nguyên chính dẫn đến cái nghèo còn đeo đẳng. Cụ thể, hằng năm cán bộ chuyên môn các cấp đều về hướng dẫn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho đồng bào. Nhưng sau tập huấn, kiến thức lại "theo" cán bộ xuống núi!?

Nắm bắt hạn chế này, cán bộ xã và xóm thường xuyên trao đổi, vận động đồng bào áp dụng cách làm mới, tìm tòi ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Dần dà người dân Mỏ Ba hăng hái tiếp cận các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật do cán bộ khuyến nông huyện về hướng dẫn sản xuất nông nghiệp, trồng cây có giá trị kinh tế như cây chè, dong riềng, bưởi, hay nuôi ong lấy mật... Ngoài chè là cây trồng mũi nhọn, với tổng diện tích của xóm hiện hơn 20 ha, người dân còn tập trung trồng rừng sản xuất, tạo nguồn thu bền vững. Chị Lý Thị Hoa, một người dân trong xóm chia vui: "Mấy năm nay được tham gia lớp hướng dẫn kỹ thuật phát triển cây chè, tôi mạnh dạn thay đổi cây trồng. Cây chè hợp đất nơi đây nên tươi tốt lắm, gia đình tôi trồng mấy sào đã cho thêm nguồn thu nhập".

Mỏ Ba hôm nay đã có diện mạo khởi sắc, nhịp sống khác xưa rất nhiều. Ðường liên xóm đổ bê-tông, nhiều cua tay áo nay được mở rộng, giúp thông thương hàng hóa. Ðiểm Trường tiểu học Mỏ Ba được xây dựng mới, nay 100% số con em trong xóm đều được đến trường. Chiều xuống Mỏ Ba lại rộn tiếng cười của người dân sau buổi làm đồng về tụ tập sân Nhà văn hóa để chơi bóng chuyền, rèn luyện sức khỏe. Mừng hơn, như Trưởng xóm Phạm Tuấn Tú cho biết: "Nhiều người dân nay đã hiểu sâu về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Nhất là, các thế hệ sau thấy bố mẹ, ông bà ngày trước do đông con đời sống thiếu thốn, nên mỗi gia đình nay chỉ sinh hai, cùng lắm đến ba con". Cái tên "Mỏ Ðẻ" chỉ còn trong những câu chuyện cũ ■

 Hiếu Dân - Nam Khánh