Làm giàu từ phát triển cây bản địa

Vốn chỉ quen với công việc nương rẫy, bếp núc, giờ chính thức trở thành nữ doanh nhân, cầm trên tay tấm danh thiếp in chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Cộng đồng Phụ nữ Đắk Viên (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), chị Y Pót vẫn như chưa tin đó là sự thật. Chị vẫn nhớ như in cái cảm giác hồi hộp xen lẫn lo lắng khi bắt tay chuyển đổi từ nhóm sản xuất thành mô hình Hợp tác xã chuyên nghiệp.

Phụ nữ thôn Đắk Viên thu hoạch sâm dây. Ảnh: NGUYỄN HỮU THÍA
Phụ nữ thôn Đắk Viên thu hoạch sâm dây. Ảnh: NGUYỄN HỮU THÍA

Chị Y Pót tự hào, sâm dây vốn là cây trồng bản địa chỉ có ở Kon Tum, chủ yếu ở Măng Ri, Ngọc Lây. Trước đây, khi thấy có người mua, bà con mới biết và lấy giống từ trên rừng về trồng bán. Thế rồi, tháng 3/2019, Nhóm sâm dây thôn Đắk Viên ra đời với 21 thành viên, đều là người dân tộc Xơ Đăng, đã lần đầu thực hiện trồng và thu hoạch sâm dây tập trung với quy mô lớn hơn, thay vì từng hộ nhỏ lẻ như cách làm trước đây.

Riêng gia đình chị Y Pót trồng sâm dây được bốn năm nay. Từ tiền bán sâm, chị đã xây được nhà khang trang, mua xe máy, nuôi ba con ăn học. Năm nay, gia đình chị có thêm bảy sào sâm nữa được thu hoạch, ước tính thu thêm 1,5 tấn. Nếu bán hết sẽ có khoảng 200 - 300 triệu đồng nhưng chị sẽ chỉ bán một phần, còn lại dùng để nhân giống, mở rộng diện tích.

Thêm bước tiến nữa, sau gần hai năm nhóm hoạt động, được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Dự án “Tăng cường quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số” của tổ chức quốc tế, Hợp tác xã Cộng đồng Phụ nữ Đắk Viên chính thức được thành lập với 33 người tham gia góp vốn. Ban đầu nghe đến hợp tác xã chị Y Pót chưa hình dung là thế nào. Chị càng “choáng” trước con số hạch toán lượng vốn đóng góp của các thành viên hợp tác xã tới 666 triệu đồng. Nếu so sánh việc chuyển từ quản lý vốn hộ gia đình nhỏ lẻ, đến quản lý vốn nhóm sản xuất phụ nữ thôn, đây là bước đi dài đòi hỏi người quản lý phải có sự quyết tâm, kiến thức và kỹ năng.

Nỗi trăn trở dần bớt đi khi chị Y Pót và thành viên Hội đồng quản trị - chủ yếu là các chị em nòng cốt của Nhóm sâm dây cũ, tham gia các lớp tập huấn kỹ năng do dự án tổ chức. Các chuyên gia cùng đồng hành và giúp hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp thu mua tại địa phương. Bên cạnh sâm dây tươi, hợp tác xã ra mắt sản phẩm chế biến “Mứt hồng đẳng sâm” đã tham gia thi thử chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm - OCOP) và một số sản phẩm đã được chứng nhận đạt ba sao. Các chị còn đầu tư trang bị máy sấy nhiệt để phục vụ việc tăng năng suất chế biến.

Chị Y Pót cho biết, hợp tác xã dự tính phát triển thêm các sản phẩm khác như trà sâm dây. Tin rằng, một ngày không xa, các sản phẩm sâm dây mang thương hiệu Hosadavi của Hợp tác xã Cộng đồng phụ nữ Đắk Viên sẽ đi xa, xuất hiện trên khắp đất nước, giống như “ước mơ” trong Bức tranh Tương lai (Kế hoạch và các mục tiêu chi tiết mà các thành viên hợp tác xã đã viết ra và treo tại nhà rông của thôn) mà các chị đã vẽ.