Khôi phục đời sống kinh tế sau đại dịch

Khi hầu hết các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, giai đoạn ba tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian vàng cần được tận dụng để phục hồi kinh tế, cải thiện đời sống người dân.

Khôi phục đời sống kinh tế sau đại dịch

Trong sáu tháng đầu năm 2021, tỉnh Lào Cai ghi nhận hơn 1,1 triệu lượt khách với doanh thu hoạt động du lịch đạt hơn 3.170 tỷ đồng. So số lượng 5,1 triệu lượt khách cùng doanh thu 19.200 tỷ đồng năm 2019, có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Riêng tại thị xã Sa Pa, số lượng lớn các cơ sở lưu trú của đồng bào người dân tộc thiểu số phải đóng cửa.

Dịch Covid-19 khiến người dân tộc thiểu số buộc phải có những điều chỉnh quan trọng để từng bước vượt qua khó khăn. Chị Lý Mẩy D, chủ cơ sở tắm lá thuốc tại xã Tả Phìn, chia sẻ: "Việc cắt lá thuốc trước đây gia đình thuê hai người làm, bây giờ, hai vợ chồng tự làm lấy. Công đoạn thu mua lá hiện cũng phải chọn lựa tỉ mỉ hơn nhằm giảm bớt chi phí đầu vào. Không những vậy, kế hoạch sửa chữa và nâng cấp cơ sở vốn bị trì hoãn nhiều lần do đông khách nay đang trong quá trình hoàn tất để có thể đón khách với chất lượng dịch vụ tốt hơn sau khi dịch bệnh kết thúc".

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Sơn Bình, nhằm từng bước phục hồi và phát triển sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số (đối tượng rất dễ bị tổn thương trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch), tỉnh Lào Cai đã xây dựng nhiều phương án. Trong đó, không chỉ đẩy mạnh truyền thông, ngành du lịch tỉnh luôn nỗ lực nâng cấp sản phẩm sẵn có đồng thời triển khai nhiều hoạt động mới thu hút khách trong nước thay vì tập trung vào du khách nước ngoài. Với mục tiêu phát triển du lịch theo hướng bền vững, tỉnh cũng đẩy mạnh việc nâng cao năng lực cho người dân tộc thiểu số để đáp ứng yêu cầu chất lượng du lịch. Ngoài ra, công tác hỗ trợ liên kết và tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm đặc hữu (như trồng rau hữu cơ, dược liệu, địa lan...) cũng được chú trọng nhằm cải thiện thu nhập và mở ra nhiều hướng đi mới khi thực hiện đa dạng sinh kế.

Mới đây, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1719/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Ðiều này được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mới và lớn hơn. Bởi vậy, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng cần quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách dân tộc đặc thù của địa phương, nhằm bảo đảm đến được với đồng bào nhanh nhất, hiệu quả nhất, cùng cả nước thực hiện "mục tiêu kép" của Chính phủ ■ 

Anh Thư