Khi lũy tre làng đã mất

Cảnh quan ở nhiều làng quê Bắc Bộ đã bị phá vỡ bởi những tác động của sự phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, những hệ lụy tiêu cực cho đời sống tinh thần của người dân cũng xuất hiện ngày một nhiều, trong khi, giải pháp để hài hòa lợi ích kinh tế và văn hóa dường như vẫn là câu hỏi khó.

Không còn lũy tre, làng tôi giờ ken đặc nhà tầng cao thấp đủ kiểu.
Không còn lũy tre, làng tôi giờ ken đặc nhà tầng cao thấp đủ kiểu.

Trong ký ức ấu thơ của tôi, quê nội là một ngôi làng thuần nông xinh đẹp, một làng quê Bắc Bộ điển hình. Đường làng lát gạch son, xếp nghiêng đều chằn chặn. Cổng làng trầm mặc, hai cánh gỗ lim dày hàng chục centimet, tuy không còn đóng mở mỗi ngày nhưng tất cả, cả cái then và đôi bánh xe gỗ vẫn nguyên vẹn. Làng được bao quanh bởi một dãy ao, ếch nhái kêu ộp oạp mỗi chiều tối và óng vàng tơ giăng trên những rặng cúc tần. Tiếp sau dãy ao là rặng tre, trưa hè, chúng tôi lang thang nhìn rắn đu quăng, vừa sợ vừa thích thú la hét và chạy trối chết. Rồi đến dãy bờ mương dẫn nước cho cánh đồng sát bên...

Theo thời gian, đầu tiên là dãy ao bị lấp dần để xây nhà ở. Tiếp theo, bờ tre cũng bị đốn hạ để hình thành nên xóm dân cư mới, gọi là xóm Lũy (cái từ lũy hẳn là nói vắn từ "lũy tre", nghe thật tiếc nuối). Dòng mương thì dần được "cống hóa" để làm đường đi và một phần cánh đồng bờ xôi ruộng mật đã được dành để xây mới trường trung học cơ sở của xã. Không còn cúc tần, tơ vàng, ếch nhái hay tiếng bờ tre kẽo kẹt nữa, thay vào đó là tiếng xe máy, còi xe đạp điện lảnh lói suốt ngày. Thư viện xã cũng không còn, thay bằng nhà trẻ và chợ. Nhà văn hóa thôn cũng được tận dụng cho thuê thành cửa hàng trang phục cưới và biểu diễn văn nghệ... Nhiều người làng cũng thưa dần công việc đồng áng, đi làm nghề sắt thủ công rồi đem mô hình sản xuất ấy về làng, thuê xây những dãy nhà xưởng ven con sông Ngũ Huyện Khê duyên dáng... Đứng trên bờ đê nhìn về làng, giờ là ken đặc những tầng nhà cao thấp đủ kiểu, pha tạp và trơ khấc, trù phú hơn mà dường như cũng trần trụi hơn. Đường làng mà tôi nhớ đã từng tả trong một bài văn hồi tiểu học "đẹp như dải lụa đào" đã bị đào lên khoảng giữa để làm cống tiêu nước thải, gạch son mịn màng bị thay bằng các tấm đan bê-tông thô nhám.

Có chút gì đó tỷ lệ thuận giữa sự lấn lướt trong cách ứng xử của chính người làng với cảnh quan làng mình và cách xử sự thiếu đi nhiều nhường nhịn, chia sẻ giữa người với người. Mỗi lần về, nghe mẹ kể chuyện làng, tôi chỉ thêm buồn. Trước kia, chuyện nghiện hút, quan hệ nam nữ không chính chuyên, mâu thuẫn anh em vì đất đai, tiền bạc là chuyện ở tận đẩu đâu, thì nay, nó đã hiện hữu ở ngay đây, quanh làng tôi, trong đại gia đình của tôi. Làng mất dần hình hài nguyên thủy, tình người cũng vợi dần, ngược với sự gia tăng của đời sống vật chất.

Thực tế, không phải chỉ có riêng làng tôi mà nhiều làng quê vùng đồng bằng sông Hồng cũng đã và đang "rơi tự do" vào tình trạng biến dạng hình hài, làm người xa quê lâu năm trở về lạc lối. Nhiều làng vốn có hàng chục mẫu ao chuôm, rồi cũng bị san lấp "không cánh mà bay". Sau thời hợp tác xã nông nghiệp "chấm dứt vai trò lịch sử", những "vườn cây các cụ", những "ao cá Bác Hồ" ở nhiều nơi dần bị biến thành đất tư nhân... Sự xộc xệch đáng sợ ở nhiều làng nghề do mất cân bằng giữa phát triển kinh tế với giữ gìn cảnh quan trở thành nỗi ám ảnh về môi trường sống... Sông Thương, sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ, những con sông thơ mộng trữ tình đang chết dần mòn vì ô nhiễm thì nói gì đến khởi sắc đời sống văn hóa tinh thần…

Chúng ta có thể nói đi nói lại rằng trong thời kỳ quá độ, có những đổi thay buộc phải chấp nhận. Đúng vậy! Nhưng trong cái giá phải trả cho sự phát triển đó, đã có những vẻ đẹp văn hóa vĩnh viễn không thể phục hiện. Đáng sợ hơn, khi cái đẹp bị lấn lướt, thì cái xấu lại nảy mầm, và để lại nhiều di họa cho xã hội.

Hiển nhiên phong trào xây dựng nông thôn mới song trùng phong trào nâng cấp huyện thành quận, xã lên phường, làng lên phố những năm gần đây cũng đã thu hoạch được không ít thành quả đáng kể. Song nhìn tổng quát, dễ dàng nhận thấy thực trạng là còn quá nhiều địa phương không sao giải quyết được hài hòa bài toán xây dựng những làng quê Việt hiện đại mà không làm mất những giá trị văn hóa cổ truyền. Nói cách khác là vẫn rất khó khăn tìm ra giải pháp cân bằng giữa phát triển kinh tế-xã hội với giữ gìn vẻ đẹp của văn hóa và tinh thần cho người làng, cảnh quan làng.

Làng, hạt nhân quan trọng nhất của nền văn minh lúa nước, của văn hóa Việt Nam, sẽ ra sao nếu cứ tiếp tục phải oằn mình gánh chịu sự phát triển không đồng bộ, thiếu quy hoạch bài bản, đặc biệt là sự buông lỏng trong quản lý đất đai? Đây là câu hỏi cần phải cấp thiết có được câu trả lời trước xu thế đô thị hóa ngày càng nhanh chóng và mạnh mẽ như hiện nay.