Khi công nghệ mở ra cơ hội…

Ứng dụng công nghệ trong khai thác du lịch đang mở ra những cơ hội mới cho bà con đồng bào dân tộc ở Lào Cai. Trong suốt thời gian dài du lịch chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhờ sự kết nối của thế giới mạng mà hình ảnh sống động về những miền cao với nền văn hóa đặc sắc vẫn được lan tỏa rộng rãi.

Khu vực tắm lá thuốc và giao lưu ngoài trời của Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Tả Phìn. Ảnh: PHƯỚC HÀ
Khu vực tắm lá thuốc và giao lưu ngoài trời của Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Tả Phìn. Ảnh: PHƯỚC HÀ

Leo núi để nhìn thấy thế giới

Sùng A Hờ, một thanh niên người H’Mông ở xã Y Tý (Bát Xát-Lào Cai) đã trở thành nhân viên khuân vác hành lý, kiêm hướng dẫn viên du lịch tại chỗ từ năm 2013. Từ khi bước chân vào làm du lịch, cuộc sống kinh tế gia đình Sùng A Hờ khấm khá hơn. "Tôi tích cóp kinh nghiệm, tiền vốn để mở rộng hoạt động như học hỏi về làm homestay, cung cấp chỗ lưu trú, bữa ăn cho du khách đến tham quan khu vực Y Tý và trải nghiệm các cung leo núi quanh vùng" - Sùng A Hờ chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Sùng A Hờ lập một nhóm nhân viên khuân vác hành lý kiêm hướng dẫn viên 30 người, chuyên phục vụ các đoàn leo núi. Khi có ít khách, Sùng A Hờ tự tham gia dẫn đoàn, khi khách nhiều thì phân công các thành viên trong nhóm phục vụ đoàn, A Hờ rút về phụ trách điều hành và phục vụ tại chỗ. A Hờ cũng cung cấp dịch vụ phòng nghỉ, ăn uống, hướng dẫn viên tại Y Tý; tổ chức tour leo núi Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San, Kỳ Quan San, Cú Nhìu San,... Ngoài đầu tư "A Hờ Homestay Y Tý", A Hờ cũng đầu tư một trạm dừng chân gần đỉnh Lảo Thẩn để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ các đoàn leo núi ăn, ngủ qua đêm trên cung đường chinh phục đỉnh Lảo Thẩn cao 2.862 m.

Học làm du lịch, Sùng A Hờ cũng tiếp cận xu hướng công nghệ, nhờ người lập một tài khoản Facebook, hướng dẫn cách sử dụng để đăng tải những hình ảnh giới thiệu về dịch vụ mình cung cấp, số điện thoại liên hệ; chia sẻ những hình ảnh đoàn khách do mình dẫn, hình ảnh cảnh đẹp trên các cung đường leo núi, ảnh lưu niệm chụp với các đoàn khách. A Hờ cũng trang bị điện thoại cấu hình cao, chân máy để quay clip đăng tải trên điện thoại…

Điều ngạc nhiên nhất mà Sùng A Hờ chia sẻ với tôi là bản thân không biết chữ: "Vâng, bạn không nhầm lẫn, tôi nhấn mạnh là tôi không biết chữ!". Cho nên mọi liên lạc với A Hờ đều phải gọi điện trực tiếp. Khách nào nhắn tin là sẽ bị A Hờ "bỏ quên" không trả lời. Những phần có chữ trên Facebook "A Hờ Homestay Y Tý" đều là do A Hờ nhờ bạn bè làm giúp.

A Hờ rất mộc mạc, mộc mạc như những dòng chữ giới thiệu được ghim trên trang Facebook "Leo núi không phải để thế giới có thể nhìn thấy bạn mà để bạn có thể nhìn thấy thế giới. Hãy đến với A Hờ các bạn sẽ ăn con gà thật to-Uống bát rượu to. Lên nào các bạn ơi!".

Kênh giới thiệu văn hóa truyền thống

Khác với Sùng A Hờ, Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Tả Phìn là một tập thể, nên nguồn lực đầu tư lớn hơn, cách thực hiện khoa học hơn, tạo nên hình ảnh cũng ấn tượng hơn. Hợp tác xã xây dựng một trang Facebook "Taphin’s" để giới thiệu về dịch vụ hợp tác xã, cung cấp số điện thoại liên hệ cùng một câu xanh rờn-"thường phản hồi trong vài giờ gửi tin nhắn". Taphin’s cũng chia sẻ hình ảnh những đoàn khách trải nghiệm dịch vụ của hợp tác xã; khách sử dụng dịch vụ hướng dẫn viên tại điểm đến của hợp tác xã; khách giao lưu và trải nghiệm các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào Dao đỏ Tả Phìn,...

Hơn thế, Hợp tác xã Tả Phìn còn xây dựng trang web htxtaphin.wixsite.com với giao diện ấn tượng, hình ảnh bắt mắt, thông tin đầy đủ để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ. Bản thân website cũng kết nối với trang Facebook của hợp tác xã thông qua mục "đặt tour" ở phần dịch vụ. Du khách khi xem website, cảm thấy ấn tượng và ấn vào mục "đặt tour", website sẽ tự động dẫn về Facebook với số điện thoại liên hệ; phía cuối website cũng cung cấp số điện thoại đặt tour nếu khách có nhu cầu. Website có mục đăng tải ý kiến đánh giá của du khách đã sử dụng dịch vụ, bản đồ số định vị địa điểm; du khách mong muốn sử dụng dịch vụ thế nào cũng có thể gửi email trực tiếp đến hợp tác xã.

Chia sẻ với chúng tôi, Lý Mắn Mẩy-thành viên Ban quản lý Hợp tác xã cho biết, Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Tả Phìn cung cấp dịch vụ tắm lá thuốc người Dao đỏ, homestay, dịch vụ trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, hướng dẫn viên,...; cung cấp quà tặng thổ cẩm, tinh dầu, nước thuốc tắm,... Hợp tác xã là tập hợp những người bản địa với mong muốn được gìn giữ những vẻ đẹp truyền thống của quê hương và quảng bá rộng rãi đến với những người đam mê khám phá, đặc biệt là các bạn trẻ yêu du lịch. Du khách tham gia sử dụng dịch vụ của hợp tác xã là trải nghiệm cuộc sống cộng đồng, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với gia đình người dân bản địa.

Theo tìm hiểu, Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Tả Phìn được thành lập năm 2019 trong khuôn khổ đề xuất "Xây dựng thí điểm mô hình hợp tác xã du lịch và dịch vụ cộng đồng do phụ nữ Dao đỏ đồng quản lý tại thôn Sả Séng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai". Chương trình nằm trong một dự án được Chính phủ Australia tài trợ, do Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa thực hiện với sự tư vấn kỹ thuật của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub). Có lẽ điều này tạo nên điểm nhấn mạnh mẽ cho hoạt động quản lý, kinh doanh của hợp tác xã cũng như hoạt động quản trị website, tài khoản Facebook. Nhiều du khách đánh giá việc ứng dụng công nghệ vào quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch của Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Tả Phìn rất ấn tượng và dễ dàng kết nối.