Họa sĩ người Hrê và chữ "Lem"

Họa sĩ Ðinh Nhật Tân (trong ảnh) sinh ra trong một gia đình đông con ở xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Tuổi thơ của anh là những tháng năm vừa đi học vừa đi làm nương rẫy. Cơm ăn không đủ bữa nhưng cha anh luôn nhắc các con phải học. Nhắc nhở chưa đủ, tối nào ông cũng kêu đàn con ngồi vào bàn học và giám sát việc học của chúng.

Họa sĩ người Hrê và chữ "Lem"

Khi Tân hết cấp hai, cha mẹ anh muốn con cái được học tới nơi tới chốn, "nhưng thật sự bấy giờ hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Lúc đó, anh hai tôi đang học Trường đại học Y khoa ở Huế, nên tôi theo ra Huế học cấp ba" - anh Tân kể. 15 tuổi, còn nhỏ nhưng Tân đã đi dạy kèm học sinh lớp 1, 2 để có tiền trang trải. Sáng học văn hoá, chiều đi học mỹ thuật, tối thì đi dạy kèm để vừa có tiền đóng học, vừa có tiền ăn cơm bụi.

Tốt nghiệp phổ thông, Tân chọn thi Trường đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Hai mươi năm đã trôi qua, anh vẫn nhớ như in nụ cười hạnh phúc trên gương mặt cha mẹ, nhớ cả con heo bán được 300 nghìn đồng để anh lên đường. Sau khi đã xong thủ tục nhập học, đóng tiền ký túc xá và mua một số đồ dùng học tập, trong túi cậu thanh niên 18 tuổi chỉ còn lại khoảng 60 nghìn đồng. Chưa quen việc học ở trường đại học, Tân đã phải nghĩ đến việc đi làm để có thể nuôi mình ăn học. Anh đi chép tranh rồi làm bất cứ việc chính đáng nào mà người ta thuê mướn để được học và sống được.

Ra trường, anh cũng bị guồng quay cuộc sống phố thị cuốn đi. Ðến một ngày, anh nghĩ nếu không dứt ra, mưu sinh sẽ khiến anh mất đi đam mê, sẽ không theo hội họa được nữa. Nên anh quyết định đi làm bán thời gian, để có thể sáng tác. Anh thuê một căn nhà rất nhỏ, đi làm về là vẽ, cả ngày lẫn đêm. Rồi anh có tác phẩm, được người này, người kia giới thiệu; tranh của anh đã hai lần được đưa đi triển lãm ở Hàn Quốc.

Nhưng không chỉ say mê sáng tác, Ðinh Nhật Tân lại có quyết định bất ngờ… thành lập xưởng thủ công mỹ nghệ. Từ lần về quê, thấy rất nhiều anh em ở quê không có việc làm; anh luôn suy nghĩ làm cái gì đó để tạo công ăn việc làm cho anh em. Khi đi qua nương rẫy cũ, thấy những cái cây bị chặt bỏ, Tân chợt nghĩ mình có thể làm được cái gì đó khi đã có sẵn vật tư như thế này rồi. Và cái tên xưởng Lem Décor của anh xuất hiện. Lem trong tiếng Hrê là vẻ đẹp mộc mạc, chân phương, giống như con người Hrê vậy. Anh còn ấp ủ mở xưởng như một cách gìn giữ tinh hoa mỹ thuật của dân tộc.

Xưởng mỹ nghệ trở thành mái nhà nhỏ, mang lại công việc cho những người anh em Hrê tại TP Hồ Chí Minh. Bắt đầu từ hai bàn tay trắng, Tân phải đi làm việc khác để có tiền mua dần từng dụng cụ, từ mấy cái cưa, mấy cái kìm… Lúc đầu khó khăn nhiều thứ, nhất là không có khách, vì hàng của Tân mới quá, lạ quá; lại không phải là hàng chợ nên kén khách. Nhưng anh vẫn bền chí, lấy "ngắn nuôi dài" làm thêm công việc khác để trang trải cho xưởng được lớn dần lên.

Hằng năm, số tiền làm ra, anh đều trích dành một phần để tặng các em học sinh giỏi, hoặc tiên tiến ở quê. Số tiền nhỏ thôi, nhưng đã khích lệ được tinh thần học tập của các em. Anh Tân nói: "Ðiều tôi quan tâm là tất cả các em đều phải được học tập, vì có học mới thay đổi được cuộc sống - như trường hợp của chính bản thân tôi".