Con cháu Lạc Hồng

Gìn giữ để trao truyền giá trị

Không chỉ tâm huyết với việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, Nghệ nhân Ưu tú Y Lim (trong ảnh) ở Kon Tum luôn quan tâm việc truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, hát giao duyên cho lớp trẻ trong làng, góp phần trao truyền các giá trị đặc sắc của dân tộc cho thế hệ sau.

Gìn giữ để trao truyền giá trị

Bà Y Lim sinh ra và lớn lên ở xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà nhưng theo chồng về sống tại làng Kon Pring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông từ năm 1994 đến nay. Từ nhỏ, bà đã miệt mài học cách đánh cồng chiêng và hát đối đáp giao duyên, múa xoang từ các nghệ nhân lớn tuổi trong làng. Nhờ thế, bà nắm giữ được kỹ thuật, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng và thuộc rất nhiều bài dân ca, cũng như các điệu múa xoang của dân tộc Xơ Đăng (nhóm Mơ Nâm). "Hằng năm, cứ sau mỗi mùa rẫy, các làng của người Mơ Nâm lại tổ chức nhiều lễ hội như: lễ làm chuồng trâu, lễ gieo mạ, lễ làm máng nước,… Trong những ngày lễ hội ấy, người già trong làng, các anh, các chị lại tụ họp đánh cồng chiêng và các điệu múa xoang, các bà hát những bài dân ca. Chính vì vậy, từ thuở ấu thơ chúng đã ăn sâu vào tiềm thức tôi", nghệ nhân Y Lim chia sẻ.

Nói về nghệ thuật dân gian của dân tộc mình, bà say sưa cho biết, cồng chiêng là loại nhạc cụ phổ biến nhất trong nền âm nhạc của người dân tộc bản địa. Phải nắm bắt rõ về âm sắc của từng cái cồng, cái chiêng và nắm chắc các bài nhạc chiêng, làn điệu dân ca cùng kỹ thuật diễn tấu loại nhạc cụ này. Có như vậy, khi diễn tấu cồng chiêng, âm sắc của từng chiếc cồng, chiêng mới hòa quyện với nhau, tạo sự độc đáo của từng bài nhạc chiêng, mới cuốn hút người nghe.

Hát dân ca của dân tộc Xơ Đăng ra đời trong quá trình mọi người đi làm rẫy, trong những dịp lễ, hội của làng, mọi người cùng ngồi quây quần bên bếp lửa, bên ghè rượu, cùng nhau uống, kể chuyện và hát đối đáp với nhau. Điệu hát Cheo là một hình thức hát đối đáp giao duyên giữa một người nam và một người nữ. Là lối hát giãi bày tâm sự, ứng tác, phổ biến trên nền nhạc chiêng Guông. Hình thức đối đáp này phù hợp với mọi lứa tuổi. Đây là nghệ thuật trình diễn dân gian truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, người hát phải có trí nhớ và có khả năng diễn đạt mới có thể thực hành được.

Nghệ nhân Y Lim rất tích cực với các hoạt động bảo tồn văn hóa dân gian của dân tộc mình. Bà mở các lớp về cồng chiêng, múa xoang, hát đối đáp để truyền dạy cho các thế hệ kế cận, các em thiếu nhi và người dân trong thôn. Nhiệt tình, tận tâm, nghệ nhân Y Lim đã góp phần gây dựng hai đội cồng chiêng của làng Kon Pring, trong đó đội cồng chiêng người lớn khoảng 30 người và đội cồng chiêng thiếu nhi có hơn 20 em; làm nòng cốt sinh hoạt văn hóa truyền thống ở địa phương và tích cực tham gia các sự kiện văn hóa do huyện tổ chức. Ngoài việc truyền dạy, bà Y Lim còn tận tình chỉ bảo cách bảo quản cồng chiêng, kỹ thuật cảm âm cồng chiêng để các bạn trẻ nâng cao nhận thức, tích cực tham gia bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.