Tiêu điểm

Giảm nghèo đa chiều một cách bền vững

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV dự kiến xem xét, quyết định về "Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025" do Chính phủ xây dựng. Muốn giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội một cách bền vững, vượt qua các thách thức của thiên tai, dịch bệnh như đại dịch Covid-19, cần tập trung vào những giải pháp nào?

Người dân xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) vay vốn trồng chè, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: QUANG DŨNG
Người dân xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) vay vốn trồng chè, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: QUANG DŨNG

Bốn dự án và 11 tiểu dự án

Trong Chương trình mục tiêu này, Chính phủ đề ra các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 như sau: Phấn đấu giảm một phần hai số hộ nghèo so đầu kỳ, giảm 1,5 triệu người nghèo/năm theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 50% số huyện nghèo, 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo tăng 20% - 25%/năm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đưa tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đang học các chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học đạt 85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%...

Đây là một Chương trình có quy mô lớn với mục tiêu tổng quát bao gồm: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu bền vững, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, thị trường lao động đồng bộ, hiện đại nhằm tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho tất cả mọi người và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội chuyên nghiệp, giảm bất bình đẳng xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững.

Chương trình gồm bốn dự án và 11 tiểu dự án. Tổng nguồn vốn thực hiện là 90.260 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 50.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 21.760 tỷ đồng, huy động hợp pháp khác là 18.500 tỷ đồng. Đối tượng thụ hưởng của chương trình gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, người bị bạo lực trên cơ sở giới, người cai nghiện; người học nghề, người lao động, giáo viên, cán bộ quản lý; các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện; cơ sở cung cấp dịch vụ cho trẻ em, hỗ trợ về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cơ quan có liên quan.

Còn những băn khoăn

Với vai trò của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ủy ban) cho rằng, Chương trình này có sự bảo đảm thống nhất với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Tuy nhiên, để giảm nghèo đa chiều thật sự bền vững, Ủy ban cho rằng phải giảm tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh, ngoài việc giảm nghèo về thu nhập cần tập trung giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Do đó, khuyến nghị được đưa ra, Chương trình cần điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu, các dự án, giải pháp thoát nghèo bền vững, đủ sức chống chịu, vượt qua các thách thức của thiên tai, dịch bệnh như đại dịch Covid-19… Cũng như cần dự báo kết quả duy trì các mục tiêu, chỉ tiêu để khi Chương trình kết thúc có thể đánh giá tính bền vững.

Ở góc độ của Ủy ban, báo cáo thẩm tra nêu yêu cầu về việc rà soát, điều chỉnh Chương trình lại theo hướng: Mục tiêu tổng quát tập trung giải quyết vấn đề giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều gắn với các giải pháp hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo. Bổ sung mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể theo từng chiều của chuẩn nghèo đa chiều, nghiên cứu đưa đồng thời chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và giảm hộ cận nghèo; sửa mục tiêu giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thống nhất với Nghị quyết số 88 của Quốc hội. Bỏ các mục tiêu, chỉ tiêu không liên quan địa bàn nghèo, hộ nghèo…

Về dự kiến nguồn lực thực hiện Chương trình, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, với yêu cầu về nguồn vốn của Chương trình cùng với hai chương trình mục tiêu quốc gia khác thì đây là một áp lực rất lớn cho việc cân đối ngân sách nhà nước. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát, cân đối lại nguồn vốn thực hiện hướng tới mục tiêu tổng quát giảm nghèo đa chiều bao trùm bền vững, bảo đảm thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chỉ tiêu cho từng chiều nghèo. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì ba Chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp rà soát, phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung, hoạt động có thể trùng lặp hoặc bỏ sót để đề xuất cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Trước đó, tại Phiên họp thứ 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội khóa XIV, cũng đã thống nhất bố trí mức vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho Chương trình mà Chính phủ đã dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 20 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở đã bổ sung các nội dung bảo đảm thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, các chiều thiếu hụt của dịch vụ xã hội cơ bản, người nghèo không có khả năng lao động.