Ðêm trăng trước bão

Trong chuyến đến huyện Tân Phú Ðông, Tiền Giang tìm hiểu thiên tai, tôi sởn da gà khi nghe cụ già trong ấp kể về trận bão số 9 cách nay 15 năm, vào rạng sáng 4/12/2006, là đêm 13/11 âm lịch, mà người dân miền Tây mô tả bằng từ "kinh hồn bạt vía".

- Ðêm hôm đó, người dân được chính quyền địa phương thông báo sơ tán đi trú bão. Khi được sơ tán đến trường học, mọi người thấy trăng sáng vằng vặc, gió chỉ hiu hiu nhẹ nên ngồi uống trà tán gẫu rằng "Trăng sáng, trời trong thế này làm gì có bão? Nói thế rồi nửa đêm ai nấy bỏ khỏi nơi sơ tán để về nhà mặc sự can ngăn của chính quyền địa phương. Họ về một phần vì sợ ở nhà còn gia súc, gia cầm, còn bao lúa, hũ gạo phải giữ. Ðến khoảng 5 giờ sáng gió bắt đầu lớn dần và một tiếng sau gió bắt đầu rít liên hồi, nhà đổ, cây đổ, tôn bay la liệt. Nhiều người trú vội ở bất cứ nơi nào có thể trú. Năm đó, phần lớn nhà người dân còn lợp tôn, lợp lá nên đổ như ngả rạ.

Vị thạc sĩ về biến đổi khí hậu đi cùng chăm chú nghe, liền thưa:

- Dạ, năm ngoái cũng cơn bão số 9 ở Quảng Nam trước bão trăng cũng sáng vằng vặc, trời không gợn mây. Nhưng đến 6 giờ sáng hôm sau bão bắt đầu gầm rít. Sau bão mọi thứ gần như tê liệt. Trăng lại sáng như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Và ánh trăng thay điện cả tuần vì cả vùng bị mất điện do đường dây hư hỏng nặng. Thật đáng sợ!

Rồi vị thạc sĩ lý giải bằng khoa học, rằng khi bão sắp vào, áp suất tâm bão càng thấp thì khả năng hút hơi ẩm và hút gió về nó càng mạnh và càng tập trung, còn trong bờ trời quang mây tạnh.

Bỗng giọng vị thạc sĩ lắng lại:

- Hiện tượng này lúc nhỏ mẹ tôi kể cho nghe nhiều lần. Cha tôi là lính hải quân, ông nói người đi biển sợ nhất cảnh biển lặng như tờ không một chút gợn gió, sau đó rất có thể sẽ là trận cuồng phong. Các bậc trưởng thượng miền biển cũng báo bão rằng "Ráng mỡ gà, có nhà thì chống". Vậy nên theo dõi bản tin thời tiết mỗi ngày, các bác cũng chớ bỏ qua kinh nghiệm "dân truyền", nếu có thấy trăng đêm nay mà vừa nghe tin bão thì đừng chủ quan là bão không vào nhé! ■

Huy Nguyễn