Tiêu điểm

Ðể đồng bào làm tốt hơn "nhiệm vụ văn hóa"

Mô hình đưa đồng bào các dân tộc ra sinh sống, hoạt động tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam cần được chăm nom nhiều hơn về nguồn thu và đời sống tinh thần. Ðó là sự ứng xử xứng đáng với các nghệ nhân, quần chúng rời quê hương ra Thủ đô thực hiện "nhiệm vụ văn hóa", quảng bá bản sắc dân tộc mình với công chúng Hà Nội và khách thập phương.

Ðồng bào dân tộc Ê Ðê trình diễn trong nhà dài tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Ðồng bào dân tộc Ê Ðê trình diễn trong nhà dài tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Việc đưa đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh về sinh sống tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng VHDL) tại Ðồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội đã được thực hiện từ nhiều năm qua. Các nhóm nghệ nhân, quần chúng có khả năng diễn xướng, đã có vốn tri thức nhất định về văn hóa bản địa được về sinh hoạt tại các làng dân tộc Dao, Mường, Ê Ðê… tại Làng VHDL, trở thành các hướng dẫn viên không chuyên, giúp du khách tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa dân tộc khi tham quan làng. Sự có mặt của các nhóm đồng bào, cũng giúp không gian văn hóa của làng thêm chân thực, gần gũi khi bản sắc văn hóa một số dân tộc được thể hiện mộc mạc và trực tiếp. Có thể thấy, đây là một chủ trương hợp lý của ngành văn hóa, đáng được tạo điều kiện triển khai lâu dài.

Tuy nhiên, đời sống của đồng bào tại Làng VHDL đang cho thấy cả những hạn chế về điều kiện vật chất, nguồn thu nhập, cả về ý nghĩa tinh thần khi điều kiện giao lưu, quảng bá văn hóa dân tộc bị ảnh hưởng. Rõ ràng, cần giải quyết những câu hỏi cho việc duy trì mô hình này hiệu quả hơn, nâng cao quyền lợi của đồng bào dân tộc, những người rời quê hương ra Làng VHDL sinh sống, hoạt động một quãng thời gian khá dài.

Hơn một năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động du lịch trên địa bàn Hà Nội, trong đó có điểm đến Làng VHDL. Khách tham quan vãn, vắng, các hoạt động, lễ hội cũng phải hạn chế, thu gọn quy mô.

Có dịp lên Làng VHDL gần đây, chúng tôi nhận thấy đồng bào các dân tộc sinh sống tại làng cũng đã hình thành một cộng đồng nhỏ, quen biết và giao lưu qua lại như những người hàng xóm thân mật. Về lâu dài, trong bối cảnh không hoặc ít có hoạt động, thưa vắng du khách, hay sau này khi du lịch phục hồi trở lại, việc duy trì mô hình đồng bào sinh sống tại làng rất nên được sáng tạo, thử nghiệm những cách thể hiện mới. Công việc này, trước tiên nên được gợi mở từ sáng tạo của đội ngũ cán bộ, chuyên viên Làng VHDL; sau đó có sự gợi mở, hỗ trợ của các nhà chuyên môn về văn hóa, văn nghệ dân gian, dân tộc học…

Ðối với việc tăng nguồn thu nhập cho đồng bào, Làng VHDL nên nghiên cứu hình thức hợp tác thuận lợi hơn nữa để có cơ sở tăng thêm từ ngân sách. Thí dụ như các hình thức khoán việc, hợp đồng thời vụ, hợp đồng theo kỳ hạn nửa năm, một năm… Ngành văn hóa, du lịch các tỉnh, thành phố nơi cử đồng bào đến Làng VHDL, cũng nên có hình thức hỗ trợ phù hợp. Với mỗi kỳ diễn ra sự kiện tại Làng VHDL, các địa phương thường tổ chức các đoàn nghệ nhân, nghệ sĩ, quần chúng ra làng tham dự hoạt động, trình diễn, quảng bá văn hóa dân tộc, cũng có những đầu tư nhất định; thì với đồng bào được cử ra ở tại làng lâu dài, cũng không nên "bỏ qua", mà cần có nguồn công tác phí, hay hỗ trợ, bồi dưỡng xứng đáng. Có như vậy, các nhóm đồng bào hiện nay ở làng mới yên tâm sinh sống, hoạt động. Khi thay đổi, luân chuyển các nhóm dân cư mới ra thay thế, thì bà con mới yên tâm và nhiệt tình đồng thuận.

Việc chọn lựa để luân chuyển cũng nên được Làng VHDL phối hợp các địa phương thực hiện, có thể theo định kỳ mỗi quý, mỗi nửa năm, một năm, có thể căn cứ thêm từ năng lực, hiệu quả hoạt động và nguyện vọng của mỗi nhóm đồng bào để điều chỉnh. Ðiều này sẽ góp phần tạo cho hoạt động du lịch, quảng bá văn hóa tại Làng VHDL có sự thay đổi, mới mẻ hơn; mỗi nhóm nghệ nhân, quần chúng bằng vốn liếng văn hóa, văn nghệ dân gian của mình, có thể truyền tải đến công chúng những nét đặc sắc khác nhau, làm phong phú thêm "sản phẩm văn hóa" của Làng VHDL. Ðặc biệt, với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động của các nhóm đồng bào tại làng, ngành văn hóa các địa phương cần chủ động chọn lọc đối tượng phù hợp và xứng đáng, đã qua quá trình học hỏi, tích lũy vốn văn hóa cổ truyền và có khả năng trình bày một cách thuần thục. Trên cơ sở được bổ trợ thêm về kỹ năng, nghiệp vụ tại làng, vốn liếng văn hóa trong đồng bào sẽ được phát huy tối đa.

Trong bối cảnh khó khăn về du lịch hiện nay, liệu có thể nghĩ ra những gì thú vị, cuốn hút hơn để hoạt động của đồng bào tại Làng VHDL không bị lâm vào tình trạng "ngủ đông", trong khi mục tiêu hoạt động của Làng VHDL rất đề cao tính phục vụ, quảng bá, lan tỏa văn hóa các dân tộc trên địa bàn Thủ đô. Thông qua hệ thống website của mình, Làng VHDL có thể ghi hình, giới thiệu một số hoạt động của mỗi nhóm đồng bào tại làng như trình diễn đan lát, thêu thùa, trình diễn dân ca, dân vũ; hoặc sáng tạo hơn, là các clip ghi lại những chia sẻ, trải nghiệm của đồng bào khi sống và hoạt động tại làng. Rộng hơn, có thể là những clip ghi hình ảnh tham quan các điểm đến trong Làng VHDL như các khu làng dân tộc, các điểm trưng bày, mà chính đồng bào sẽ lần lượt là hướng dẫn viên, là khách tham quan, để giới thiệu cái hay, nét đẹp văn hóa dân tộc mình trong kiến trúc, ẩm thực, tập quán sinh hoạt, và tìm hiểu bản sắc các dân tộc khác.

Ngoài ra, Làng VHDL cũng rất nên "chăm sóc" cho đồng bào tại làng nhiều hơn về mặt tinh thần, với việc phối hợp cung cấp báo chí, sách truyện về văn hóa dân tộc, lịch sử, truyền thống và đời sống các dân tộc Việt Nam, sổ tay hoạt động nghiệp vụ văn hóa; xây dựng các tủ sách văn hóa dân tộc đặt tại các nhà, các làng dân tộc… Những nguồn thông tin, tư liệu thiết thực này sẽ góp phần làm phong phú thêm đời sống đồng bào, trang bị tốt cho bà con để thực hiện hiệu quả "nhiệm vụ văn hóa" của mình. Với đồng bào các dân tộc ở tại làng, sự chăm lo nhiều hơn về vật chất, tinh thần, nội dung hoạt động sẽ càng thiết thực và phát huy tính nhân văn của công tác quảng bá văn hóa dân tộc, thúc đẩy vào việc xây dựng mối đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Việc sửa đổi, bổ sung chính sách, cơ chế trong hợp tác khai thác không gian làng, xây dựng các hoạt động du lịch thường xuyên rất cần được hoạch định với sự cởi mở hơn của ngành văn hóa.

Bài và ảnh: Nguyễn Quang Hưng