Đổi mới trong thiết kế chính sách

Trong dòng người rời khỏi các trung tâm sản xuất lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh, có không ít bà con người dân tộc thiểu số. Họ đã vượt hàng nghìn cây số để mưu sinh và nay trở về với nỗi trăn trở lớn: Tiếp tục đi làm ăn xa, hay ở lại tìm sinh kế?

Xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) tổ chức lớp dạy nghề truyền thống cho người dân tộc Pà Thẻn Ảnh: HÀ KHÁNH
Xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) tổ chức lớp dạy nghề truyền thống cho người dân tộc Pà Thẻn Ảnh: HÀ KHÁNH

Trao cần câu thay vì con cá

Tại cuộc làm việc với Ủy ban Dân tộc hồi đầu năm 2022, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, đã nhấn mạnh yêu cầu, các cơ quan chức năng phải nắm bắt rõ tình hình bà con dân tộc thiểu số đi làm ăn xa về địa phương do ảnh hưởng dịch Covid-19. Để hỗ trợ những người không có công ăn việc làm, cần xây dựng chính sách đào tạo nghề tại chỗ để họ yên tâm ở lại địa phương hoặc tạo điều kiện cho người lao động trở lại công ty, xí nghiệp tiếp tục làm việc.

Những năm qua, công tác hỗ trợ, dạy nghề, cho vay vốn lập nghiệp, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế đã được nhiều tỉnh, thành phố quan tâm. Ông Tô Đức, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, các chính sách đối với người dân tộc thiểu số được đổi mới, ngày một thiết thực hơn theo phương châm trao "cần câu", bớt cho không. Trong vòng 5 năm tới, chính sách sẽ chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, lao động người dân tộc thiểu số, chuẩn đầu ra được bảo đảm đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, cùng với đó, người lao động cũng được hỗ trợ tạo việc làm tại chỗ gắn với chuỗi giá trị. Hiện đã có đề xuất chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ với vai trò "bà đỡ" cho người nghèo ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi đôi với chính sách khuyến khích doanh nhân hỗ trợ người nghèo thông qua các hoạt động tiếp nhận lao động nghèo, đào tạo nguồn nhân lực.

Theo nhiều chuyên gia, để thoát nghèo bền vững, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch nâng cao trình độ nghề cho nguồn nhân lực của địa phương mình trong năm 2022 và các năm tới. TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho rằng, các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trong đó có nghề cho những vùng có nhiều người dân tộc thiểu số cũng được nâng cao, bảo đảm tính linh hoạt của người lao động. Việc chuyển đổi nghề nếu được định hướng và đúng với nhu cầu phát triển của địa phương sẽ tạo nên bước ngoặt trong cuộc sống của nhiều người lao động, tiến tới ổn định kinh tế gia đình.

Ðể bà con không phải ly nông, ly hương

Hiện nay vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã khống chế được dịch Covid-19 nhưng những tác động của dịch bệnh tới sản xuất, đời sống của người dân vẫn còn nặng nề. Do đó, Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 đang được các tỉnh, thành phố thực hiện dựa trên đặc thù của địa phương nhằm bảo đảm chính sách dân tộc đến được với đồng bào nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Song, có một điều đáng bàn là hiện nay cả nước còn nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất cần được hỗ trợ trực tiếp và có nhiều hộ cần hỗ trợ bằng tiền, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Nguyên nhân khiến đồng bào thiếu đất sản xuất là do nghèo đói nên đã chuyển nhượng, cầm cố đất đai và không có khả năng chuộc lại. Các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng một diện tích đất đai rộng lớn chủ yếu nằm ở khu vực đồng bào, đặc biệt là các dân tộc thiểu số ít người sinh sống nhưng hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh đó, một số chính quyền địa phương quản lý đất đai chưa tốt, còn buông lỏng trong quản lý (cho thuê, cho mượn, tranh chấp, đất bị lấn chiếm...). Mặt khác, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn có tập quán du canh, du cư và chưa quan tâm xác lập quyền sử dụng đất nên dễ dẫn đến tình trạng bị lấn chiếm dẫn đến thiếu đất sản xuất tại chỗ.     

Mới đây, ngày 4/3/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 15/2022/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I là 2021-2025. Theo Thông tư, để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, ngân sách nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. Cụ thể, về hỗ trợ chuyển đổi nghề, trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất, thì hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ một lần chuyển đổi nghề. Mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm các ngành nghề khác. Trường hợp không có nhu cầu mua sắm nông cụ, máy móc thì được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Nguyễn Thị Xuân, đại biểu Quốc hội (đoàn Đắk Lắk), đề xuất với Quốc hội và Chính phủ cần tập trung cao hơn các nguồn vốn từ năm 2022 và các năm tiếp theo, nhằm tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền.