Đô thị xanh nơi tâm điểm lũ lụt

TP Sơn La (tỉnh Sơn La) là đô thị loại 2, có tốc độ phát triển bậc nhất trong khu vực. Thế nhưng, sự tăng trưởng và mở rộng quy mô dân số quá nhanh kéo theo hàng loạt vấn đề của đô thị hóa hiện đại, cùng tác động của biến đổi khí hậu đã khiến thành phố miền núi này ngày càng chịu nhiều thiệt hại do lũ lụt, sạt lở đất gây ra.

Chương trình workshop tại thành phố Sơn La quy tụ nhiều chuyên gia, giảng viên và sinh viên chuyên ngành tham gia. Ảnh: BTC WORKSHOP
Chương trình workshop tại thành phố Sơn La quy tụ nhiều chuyên gia, giảng viên và sinh viên chuyên ngành tham gia. Ảnh: BTC WORKSHOP

Tới đây, chương trình workshop "Thiết kế kiến trúc cảnh quan TP Sơn La ứng phó với biến đổi khí hậu", quy tụ các chuyên gia, giảng viên và sinh viên chuyên ngành do Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), phối hợp Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, UBND tỉnh Sơn La, Ban quản lý dự án ODA tỉnh Sơn La, UBND thành phố Sơn La và Trường đại học Tây Bắc tổ chức thực hiện, đã đưa ra nhiều phương án, ý tưởng thiết kế cho TP Sơn La.

Là hoạt động nghiên cứu mang tính chất sáng tạo, tập trung trí tuệ của nhiều người, chương trình nói trên đã chỉ ra những nguyên nhân chính khiến thành phố miền núi này trở nên dễ bị tổn thương hơn, bao gồm: hoạt động khai thác rừng mất kiểm soát, vị trí thành phố trùng với địa hình thoát nước mưa tự nhiên, vô hình trung tạo ra các đợt thiên tai đổ về, cũng như thiếu trầm trọng không gian xanh, công trình thoát lũ. Sự phát triển đô thị gây cản trở tiếp xúc những cảnh quan đặc trưng của Sơn La là các vùng đồi núi, các con suối chảy qua, thậm chí có nhiều khu vực bị lãng quên trong lòng thành phố, thiếu điểm nhấn thể hiện bản sắc văn hóa cùng cộng đồng dân tộc Sơn La.

Để khắc phục những vấn đề này, các nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhiều phương án thiết kế hạ tầng hướng tới đô thị hài hòa với thiên nhiên. Một trong số đó là kết nối các công viên hiện có bằng cách cải tạo tuyến đường dọc suối Nậm La thành một "đại lộ xanh". Tại khu vực trung tâm thành phố đã bị bê-tông hóa, có thể bổ sung các bến nổi với ghế dài, thảm thực vật tạo lối đi trực tiếp ra suối cho người dân được đến gần mặt nước, dễ dàng quan sát và tiếp xúc với cảnh quan. Ở hai đầu suối đang giữ được cảnh quan tự nhiên và là vùng sản xuất nông nghiệp, có thể can thiệp mềm bằng cách tạo ra các lưu vực giữ nước và tách dòng suối thành nhiều dòng để kiểm soát lũ lụt, kết nối với các ao, hồ trữ nước nông nghiệp nhằm hỗ trợ kiểm soát lũ.

Theo ông Conan Herve, Giám đốc AFD, các phương án thiết kế đã đưa ra cách tiếp cận căn bản để giải quyết vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu. Thay vì xây dựng nhiều thêm những công trình hạ tầng cứng, tăng mật độ sử dụng đất, bê-tông hóa để đối chọi với thiên nhiên, cần sử dụng hiệu quả không gian cảnh quan, tối ưu hóa công năng các công trình, tạo sự tương tác với tự nhiên gắn chặt với việc phát triển văn hóa bản địa.

Đánh giá về các phương án thiết kế này, ông Đào Mạnh Chiến, Phó Trưởng ban quản lý dự án ODA tỉnh Sơn La cho rằng, đây là cách tiếp cận mới và sáng tạo. "Thành phố đang trong giai đoạn hoàn thiện quy hoạch chung, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ các ý tưởng này, kết hợp với các phương án quy hoạch hiện tại. Qua yếu tố văn hóa, bản địa và ứng phó biến đổi khí hậu thể hiện ở đây, Sơn La mong muốn nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp chính quyền, người dân trong thời gian tới, để dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai đạt hiệu quả, góp phần xây dựng TP Sơn La phát triển xanh-nhanh-bền vững", ông Chiến nói.

Thành phố Sơn La là trung tâm kinh tế, chính trị hàng đầu của tỉnh Sơn La, nằm ở vị trí trọng tâm giữa các huyện của tỉnh và đóng vai trò huyết mạch trên tuyến quốc lộ 6 từ Hà Nội qua Hòa Bình rồi lên Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai.

Trong những năm qua, thành phố miền núi Sơn La đã có sự phát triển nhanh chóng cả về mức độ đô thị hóa và quy mô dân số, kéo theo đó là một loạt các vấn đề của đô thị hóa hiện đại như: thoát nước đô thị, lũ lụt, bảo vệ môi trường, đặc biệt chịu nhiều sự tác động của biến đổi khí hậu. Hiện nay, thành phố ưu tiên tập trung triển khai bằng nội lực và thu hút đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có các dự án lớn đang được đầu tư. Tuy nhiên, nguồn lực kinh tế của tỉnh và nguồn tài nguyên sẵn có chưa đủ mạnh để thúc đẩy khả năng đầu tư một cách nhanh chóng, bài bản. Do đó, việc thu hút nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ xây dựng và phát triển thành phố là hết sức quan trọng và cần thiết, đặc biệt là nguồn vốn ODA. Với mục tiêu đó, việc UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo các sở, ngành trong đó trực tiếp là Ban Quản lý các dự án ODA tỉnh triển khai công tác huy động nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp là việc làm cần thiết để tạo nguồn vốn đầu tư cho sự phát triển chung của tỉnh, đặc biệt là TP Sơn La. Trong đó có Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu tại TP Sơn La, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án, đồng thời cho phép triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý tích hợp các vấn đề xuất phát từ nội tại phát triển đô thị gắn với giảm tác động của biến đổi khí hậu, trên cơ sở phân bổ hợp lý mật độ dân cư. Nếu quy hoạch mới làm được điều này sẽ góp phần tăng khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu và là động lực phát triển kinh tế ở thành phố núi này.