Dạy - học song ngữ Việt - H’Mông nơi cổng trời

Làm sao để nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục phổ thông tại những nơi vốn được coi là "thâm sơn cùng cốc" như ở huyện vùng cao Kỳ Sơn (Nghệ An)? Chỉ có một con đường, đó là người giáo viên phải hiểu, phải ngấm văn hóa, ngôn ngữ của người bản địa.

Dạy - học song ngữ Việt - H’Mông nơi cổng trời

Một ngày đầu xuân năm 2003, có một cô gái vốn sinh ra và lớn lên ở TP Vinh (Nghệ An), tốt nghiệp Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia Hà Nội), một mình vượt hàng trăm cây số lên nộp đơn xin việc tại Mường Lống (Kỳ Sơn). "Lúc đó đứng ở "cổng trời" nhìn xuống, trung tâm huyện trắng cả một trời hoa mận.

Từ giây phút ấy, mình đã yêu Mường Lống mất rồi", cô giáo Lã Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường THCS dân tộc bán trú Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn mở đầu câu chuyện vào nghề như vậy.

Chân ướt, chân ráo, được phân công làm giáo viên chủ nhiệm, Huyền vừa học tiếng H’Mông, vừa nghiên cứu văn hóa, tập quán của đồng bào nơi đây. Cô muốn tìm được con đường kết nối với các em, muốn vậy chỉ có cách cô phải hiểu được rõ, hiểu tiếng nói và văn hóa đã nuôi dưỡng các em...

Cứ thế, cô trò ngày càng quấn quýt, cùng nhau bước đến trường mỗi ngày. Càng sống, cô càng yêu Mường Lống, càng quý bà con đồng bào nơi đây hơn. "Ðó là quãng thời gian êm đềm và đáng yêu nhất của mình. Thế rồi mình phải lòng một bạn trai người H’Mông - đồng nghiệp cùng trường, rồi duyên số đã đưa hai đứa về ở chung một nhà...", Huyền cười nói.

Ở thời điểm đó, Huyền tuy là một trong rất ít giáo viên tốt nghiệp đại học chính quy ở Hà Nội, nhưng đối với cô vẫn thấy chưa đủ, cần phải trau dồi thêm kiến thức. Thế là Huyền xin đi học cao học, dẫu con còn nhỏ, lại đi học xa, nhưng Huyền vẫn không nản chí.

Xong chương trình cao học, đủ điều kiện chuyển tiếp, Huyền "khăn gói" ra Hà Nội xin làm nghiên cứu tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Sau hơn bốn năm dùi mài kinh sử, Huyền nhận bằng Tiến sĩ, và tháng 10/2020, Thanh Huyền được điều về Trường THCS dân tộc bán trú Tây Sơn và được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng, một trong những ngôi trường còn rất nhiều gian khó của huyện Kỳ Sơn. Với quyết tâm "thắp lửa" trong dạy và học, cô giáo Lã Thị Thanh Huyền cùng các thầy, cô và trò tạo nên luồng gió mới trong đào tạo. Lần đầu tiên, trường có nhiều học sinh giỏi cấp huyện như thế!

Hát khao lớn nhất của cô giáo Huyền, là muốn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà tại nơi vùng xa, vùng sâu. Muốn học sinh học tốt hơn thì phải phá bỏ được rào cản ngôn ngữ, giúp các em nắm vững kiến thức, hiểu bản chất của vấn đề. Ðó là lý do mà Huyền đã rất công phu để nghiên cứu và biên soạn tài liệu dạy học song ngữ Việt - H’Mông. Huyền chia sẻ, đồng bào H’Mông có tiếng nói và chữ viết riêng, vì thế khi dạy tiếng Việt song song với tài liệu tiếng H’Mông thì các em tiếp thu bài học một cách dễ dàng.