Con số & Sự kiện

12.100 tỷ đồng là số tiền Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sử dụng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020 mua vắc-xin phòng dịch Covid-19. Đây là nguồn lực rất quan trọng để thực hiện Chiến lược vắc-xin của Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19 theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Con số & Sự kiện

* Tại Cửa khẩu Quốc tế La Lay (huyện Đakrông) và Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa), UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức trao tặng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho ba huyện của nước bạn Lào là: huyện Sa Muội thuộc tỉnh Salavan, huyện Sê Pôn và Noòng thuộc tỉnh Savannakhet. Số trang thiết bị, vật tư y tế gồm dung dịch sát khuẩn, trang phục bảo hộ, nhiệt kế, máy phun khử khuẩn, khẩu trang y tế, hóa chất..., với tổng trị giá 630 triệu đồng. Đây là việc làm có ý nghĩa nhằm chung tay với hai tỉnh của nước bạn Lào có chung đường biên giới là Salavan và Savannakhet làm tốt công tác phòng, chống dịch ở khu vực biên giới, kiểm soát và sớm đẩy lùi dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

* Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 737/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Dâu và hệ thống Tứ pháp, Thành cổ Luy Lâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Mục tiêu Quy hoạch nhằm bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Dâu và hệ thống Tứ Pháp, Thành cổ Luy Lâu thành địa điểm giáo dục di sản, nơi minh chứng xác thực cho sự du nhập và giao lưu của Phật giáo với tín ngưỡng bản địa Việt Nam; từng bước đưa Thuận Thành trở thành đô thị gắn với di sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

* Xác định thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc là nhiệm vụ quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, nhiều năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã tham mưu, cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt các chính sách dân tộc vào thực tiễn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Ông Bế Văn Hùng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết: Là cơ quan tham mưu và quản lý về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã ghi dấu ấn trong việc triển khai tốt các chương trình, chính sách như: Chương trình 135, Quyết định 755/QĐ-TTg, Quyết định 102/QĐ-TTg, Quyết định 2086..., từ đó, làm thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh; góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS.

* Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, từ năm 2016 đến nay, Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã chi trả 912,4 tỷ đồng tiền bảo vệ, chăm sóc rừng cho hơn 40 nghìn chủ rừng là các gia đình đồng bào DTTS. Bình quân mỗi gia đình được hưởng 1,5 triệu đồng công chăm sóc rừng mỗi năm. Sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng, nhiều gia đình đã đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Nhiều gia đình đồng bào DTTS ở Điện Biên hiểu thêm lợi ích bảo vệ, chăm sóc rừng, hiểu hơn giá trị rừng gắn với môi trường, cuộc sống người vùng cao. Từ đó, người dân tích cực nhận khoán, khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Điện Biên từ 38,5% (năm 2015) lên 42,66% vào năm 2020.