Tiêu điểm

Cơ chế mở cho đồng bào dân tộc rất ít người

Ngay từ rất sớm, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách chung hướng đến đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó đặc biệt chú trọng đến các DTTS rất ít người. Tuy nhiên, do những điều kiện mang tính đặc thù, bà con vẫn rất khó tiếp cận ưu đãi. Đã đến lúc cần có sự đổi mới tư duy trong xây dựng chính sách hỗ trợ.

Dãy núi Tây Côn Lĩnh, Vị Xuyên, Hà Giang là nơi có khoảng 200 gia đình người DTTS Cơ Lao sinh sống. Ảnh: ĐINH CHÍ TRUNG
Dãy núi Tây Côn Lĩnh, Vị Xuyên, Hà Giang là nơi có khoảng 200 gia đình người DTTS Cơ Lao sinh sống. Ảnh: ĐINH CHÍ TRUNG

Thách thức trong giảm nghèo

Điều kiện cư trú là thách thức lớn trong công tác xóa đói, giảm nghèo đối với các dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) rất ít người. Do sống ở  vùng núi có độ cao trung bình từ 600m-1.500m so mực nước biển nên giao thông đi lại không thuận lợi, cộng đồng cư dân bị biệt lập với xã hội. Thêm nữa, do địa hình thường bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn nên các khu vực này thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, với những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ quét, lũ ống, lở đất… Khí hậu thời tiết hết sức khắc nghiệt, cộng với khan hiếm nước ngọt trầm trọng nên diện tích đất canh tác hết sức hạn chế. Đặc biệt là đất ruộng trồng lúa nước rất ít, chủ yếu nằm ven các khe sông suối nhỏ hay ruộng bậc thang cheo leo trên các sườn núi… 

Với điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, chất lượng dân số thấp… các DTTS rất ít người luôn bị tụt hậu trong việc tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công và cơ hội phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 2-4 lần so các dân tộc khác. Thêm nữa, cộng đồng các DTTS rất ít người đang chịu không ít áp lực từ cộng đồng dân tộc có quy mô dân số đông và trình độ phát triển cao hơn. 

Hệ lụy của những thách thức nói trên chính là nguy cơ: Suy giảm giống nòi đối với các dân tộc ít người; tái đói nghèo; tái du canh, du cư; mai một văn hóa truyền thống; tái mù chữ; mất thành phần dân tộc, nghiêm trọng hơn là tiềm ẩn sự bất ổn về an ninh chính trị, quốc phòng. Các DTTS ít người cư trú trải dài trên địa bàn rộng lớn ở tuyến biên giới, là những khu vực trọng yếu có vai trò quan trọng giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền biên giới quốc gia. Nếu các DTTS rất ít người không được bảo vệ và phát triển, các thế lực thù địch dễ lợi dụng sự thiếu thông tin, nghèo đói về vật chất và tinh thần để lôi kéo, gây bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thu hẹp khoảng cách 

Theo các chuyên gia xã hội học, để nâng cao chất lượng dân số, thu hẹp khoảng cách phát triển so các dân tộc khác và so mặt bằng chung của cả nước, cần tiếp tục có những chính sách đầu tư, hỗ trợ cho các DTTS rất ít người trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - giáo dục - y tế...  Trước hết, cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng dân số. Muốn vậy cần giải quyết vấn đề bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai và trẻ em dưới năm tuổi cùng các đối tượng yếu thế, cải thiện chất lượng giống nòi tầm vóc thể lực, phát triển giáo dục; bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa dân tộc...

Mới đây, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Dự án “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030. Dự án là sự tích hợp các Quyết định số 1672/QĐ-TTg, Quyết định số 2086/QĐ-TTg, Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 10-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người giai đoạn 2021-2030”; Quyết định Phê duyệt Đề án “Phát triển KT-XH vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cơ Lao”... Theo đó, nhóm các chương trình, chính sách đặc thù này đã tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực, góp phần ổn định KT-XH, tạo chuyển biến quan trọng, nâng cao chất lượng sống cho đồng bào các DTTS rất ít người. 

Việc tích hợp các quyết định trên vào 

Dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia là giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm đủ nguồn lực để tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH đối với các DTTS.  Đối với nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù là những DTTS rất ít người thì đối tượng, mục tiêu, nội dung chính sách hỗ trợ và nguồn kinh phí thực hiện cơ bản không có sự thay đổi so các quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với những dân tộc có dân số hơn 10 nghìn người được đưa vào danh mục nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn trong Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ thực hiện hỗ trợ cây trồng, vật nuôi phù hợp để tạo sinh kế, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống.

Cùng với đó cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhằm bảo đảm công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện thường xuyên, liên tục, thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

Theo lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, đồng bộ với nguồn lực đầu tư đủ mạnh cho chính sách giảm nghèo gắn liền với phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN thì mới thực hiện được mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và đồng bằng, giữa người DTTS và người dân tộc đa số.

16 DTTS rất ít người ở nước ta gồm Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cơ Lao, Ngái, Lự, Pà Thẻn, Chứt, La Ha, La Hủ. Hiện nay, các dân tộc này sống rải rác tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, tập trung nhiều ở 93 xã của 12 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum.