Chăm lo giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số Hà Tĩnh

Thực hiện chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước, tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường các chế độ chính sách, đầu tư phát triển nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng biên giới. Trong đó, các địa phương của tỉnh đã dành sự quan tâm, chăm lo giáo dục cho trẻ em, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Trường THCS-THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh luôn chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, rèn luyện ý thức tự giác của học sinh.
Trường THCS-THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh luôn chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, rèn luyện ý thức tự giác của học sinh.

Chưa bao giờ người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, huyện Hương Khê lại hăng hái đưa con em đến trường như năm học này, bởi bà con hiểu rằng, chỉ có con đường học tập mới giúp thoát nghèo bền vững, làm chủ cuộc đời. Niềm hứng khởi của người Chứt như được nhân lên khi lần đầu bản làng có học sinh trúng tuyển vào đại học, đó là em Hồ Thị Sương, học sinh Trường THCS - THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh. Em trúng tuyển vào Khoa Sư phạm, Trường đại học Hà Tĩnh.

Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng tổ công tác bản Rào Tre - Ðồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) cho biết, em Hồ Thị Sương là chị cả trong gia đình có bốn chị em. Ngay từ nhỏ, bốn chị em Sương đã phải chịu cảnh thiệt thòi khi thiếu vắng tình cảm của người cha. Một mình mẹ em gồng gánh, làm thuê quanh năm để nuôi các con ăn học. Do hoàn cảnh khó khăn, trường học lại ở xa nhà cho nên một tháng Sương mới về thăm nhà một lần. "Dù sống xa gia đình, nhưng chúng em luôn nhận được sự quan tâm của các thầy, cô giáo ở trường. Từng bữa ăn, giấc ngủ, chúng em đều được các thầy, cô chăm lo, động viên chân tình như người thân trong nhà", em Sương tâm sự. Chia sẻ niềm vui cùng gia đình em Hồ Thị Sương và đồng bào dân tộc Chứt, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã quyết định hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng trong bốn năm để đồng hành cùng ước mơ trở thành cô giáo của nữ sinh đầu tiên ở bản Rào Tre.

Trao đổi với chúng tôi, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh Ðặng Thái Mân cho biết, ngoài em Hồ Thị Sương, năm học này, trường có 17 em đỗ đại học, trong đó có nhiều em đạt điểm rất cao như các em Vi Ðức Mạnh, Lê Ngọc Tính đều là người dân tộc Lào đạt số điểm lần lượt là 28,75 và 27,75, cùng trúng tuyển vào Học viện Biên phòng; em Dương Ðình Pháp, người dân tộc Mán, đỗ Học viện Cảnh sát với số điểm xét tuyển 26,94… Ðây cũng là năm học nhà trường có số học sinh trúng tuyển vào đại học nhiều nhất trong 25 năm qua. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục đối với sự học của con em đồng bào ở Hà Tĩnh.

Hiện nay, nhà trường dạy học, nuôi dưỡng 243 học sinh của hai cấp học. Nhận diện được những khó khăn trong quá trình dạy học, đội ngũ giáo viên nhà trường đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học, luôn quan tâm, khơi gợi bản sắc văn hóa các dân tộc để các em học sinh rèn luyện, chủ động hòa nhập với môi trường mới và nỗ lực vươn lên, khẳng định bản thân. Cô giáo Phan Thúy Hằng, Trường THCS - THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh cho biết thêm: "Nhờ chú trọng rèn luyện kỹ năng sống thông qua các câu lạc bộ, diễn đàn quảng bá bản sắc văn hóa của các dân tộc, chúng tôi đã khuyến khích các em rèn luyện kỹ năng sống, khơi gợi niềm say mê học tập của các em, từ đó hướng dẫn cách học và định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường của từng học sinh".

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Anh, những năm qua, chất lượng giáo dục đối với học sinh là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực mang tính đột phá. Ðặc biệt, công tác tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc Chứt tại bản Rào Tre, xã Hương Liên đạt những kết quả tốt. Trong 5 năm triển khai thực hiện, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số sáu tuổi vào lớp 1 luôn đạt 100%, trong đó có hơn 97% số trẻ em đi học đúng tuổi, 100% số trẻ em nữ dân tộc thiểu số trong độ tuổi đến trường và không có học sinh thuộc cấp tiểu học, THCS bỏ học giữa chừng. Chất lượng giáo dục đối với các em ngày càng được nâng lên, góp phần duy trì bền vững, phổ cập giáo dục đạt mức độ ba và xóa mù chữ đạt mức độ hai.

Bí thư Huyện ủy Hương Khê Lê Ngọc Huấn khẳng định, cùng với việc quan tâm, tạo sinh kế bền vững cho các hộ gia đình dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền địa phương coi nhiệm vụ xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học đóng chân ở những địa bàn khó khăn là giải pháp quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nguồn lực lâu bền cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện có hiệu quả mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ■ 

Bài và ảnh: NGÔ TUẤN