Cập nhật thông tin thời tiết trong sản xuất

Đưa thông tin thời tiết kịp thời đến với bà con dân tộc thiểu số vùng cao, giúp nhiều hộ dân sản xuất, chăn nuôi phù hợp khí hậu, ý thức phòng tránh thiên tai và thêm vững vàng trước tác động của biến đổi khí hậu đang được coi là mô hình hiệu quả tại một số địa phương khu vực Tây Bắc.

Cán bộ khuyến nông chia sẻ thông tin trong bản tin ba tháng với người dân bản Nà Hoi, xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: TĂNG HỒNG QUÂN
Cán bộ khuyến nông chia sẻ thông tin trong bản tin ba tháng với người dân bản Nà Hoi, xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: TĂNG HỒNG QUÂN

Với nguồn vốn từ Chính phủ CHLB Đức, dự án Tăng cường khả năng thích ứng thông qua tiếp cận thông tin khí hậu (InfoAct) được Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam triển khai tại hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu từ hơn hai năm qua đặt mục tiêu tăng cường sinh kế và khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu của người dân tộc thiểu số nghèo. Ở mỗi tỉnh, một Tổ công tác được thành lập gồm các bên: Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp, Đài Khí tượng thủy văn, Trạm Bảo vệ thực vật, với nhiệm vụ phối hợp phân tích dữ liệu từ Đài Khí tượng thủy văn để xây dựng kịch bản về nhiệt độ, thời tiết, lượng mưa, từ đó đưa ra các khuyến cáo về cây trồng, vật nuôi cho người dân. “Điều chúng tôi muốn làm và đã làm được đó là đưa ra một khuyến cáo chung, bám sát theo thông tin về thời tiết, được đưa tới bà con kịp thời và dễ hiểu nhất phục vụ cho nhân dân trồng trọt và chăn nuôi”, anh Trần Mạnh Hùng, quản lý dự án này, chia sẻ. 

Dự án đã mang đến những thông tin rất hữu ích để hỗ trợ người dân. Chị Quàng Thị Kiên, 29 tuổi, người dân tộc Thái, từng là Trưởng nhóm Cổ phần Tài chính tự quản (VSLA) bản Phăng 2, huyện Mường Phăng, tỉnh Điện Biên cho biết, năm trước dự báo thời tiết có rét đậm, rét hại. Chị quyết định làm mạ trong mảnh vườn của mình, gieo trên diện tích nhỏ để dễ chăm sóc, trời rét thì lấy túi nylon che lại theo lời khuyên của dự án. Còn phần đông bà con quen với cách làm cũ vẫn gieo thẳng lên cánh đồng, trên một diện tích rộng, không che chắn được. Vụ mùa ấy, cây lúa của nhiều bà con chết, cây lúa của chị vẫn khỏe, vì từ cây mạ khi đem đi cấy đã khỏe rồi. Bà con thấy chị làm thành công đã chủ động học hỏi kinh nghiệm. Trước tiên, chị chia sẻ trong nhóm VSLA khoảng hơn 30 người, sau đó truyền đạt cho chi hội phụ nữ bản Phăng 2 khoảng hơn 40 người nữa.

Ngoài cách gặp mặt trực tiếp, thông tin thời tiết còn được chuyển tải tới người dân qua kênh Zalo, tin nhắn điện thoại, loa bản nhằm khuyến khích bà con áp dụng khuyến cáo, thay đổi thói quen canh tác. Với sự nỗ lực của các bên, kết quả bước đầu cứ 10 người tiếp cận bản tin của dự án thì có chín người áp dụng thông tin thời tiết vào canh tác. Gần 33% số nông dân trồng lúa ở Điện Biên và Lai Châu được hỏi cho biết, họ giảm được thiệt hại do thiên tai. Con số này đối với người dân trồng cà-phê ở Điện Biên là 40% và người trồng chè ở Lai Châu là gần 27%.