Tìm trong di sản

Biểu tượng đạo học xứ Đông

Xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương không chỉ có truyền thống hiếu học, mà bao đời nay, người dân luôn tự hào về biểu tượng của đạo học xứ Đông. Văn Miếu Mao Điền là di tích quốc gia đặc biệt, nơi thờ cúng hơn 637 vị tiến sĩ.

Văn Miếu Mao Điền là niềm tự hào của người dân tỉnh Hải Dương.
Văn Miếu Mao Điền là niềm tự hào của người dân tỉnh Hải Dương.

Đến với Văn Miếu Mao Điền là trở về không gian thanh tịnh, được bao quanh bởi làng xóm bình yên và những cánh đồng xanh ngát. Qua tam quan là cây gạo cổ thụ hơn 200 tuổi in bóng xuống hồ nước xanh mát, tôn vẻ trang nghiêm cho Văn Miếu. Cây gạo được trồng vào năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801), thời điểm tái thiết Văn Miếu trấn Hải Dương. Hai bên tả, hữu trước dãy nhà Bái đường là lầu chuông đồng nặng 1.042 kg. Điểm nhấn của các công trình kiến trúc tại Văn Miếu gồm: nhà Bái đường, Hậu cung, nhà Đông vu, nhà Tây vu, miếu Khải Thánh, nhà bia tiến sĩ,… Hậu cung thờ chín bài vị, chính giữa thờ Khổng Tử, ông tổ của đạo Nho. Lần lượt hai bên thờ Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tuệ Tĩnh, Phạm Sư Mạnh, Vũ Hữu, Nguyễn Thị Duệ. Khuôn viên có nhiều cây nhãn, muỗm nhiều năm tuổi, quanh năm xanh tốt, càng tạo thêm vẻ thanh bình cho toàn bộ không gian nơi đây.

Cụ Vũ Trung Văn, người có nhiều cháu, con đỗ đại học, hiển đạt, tâm sự: "Nơi đây là trường thi nổi tiếng trấn Hải Dương xưa. Sử sách còn ghi lại: Văn Miếu được khởi xây từ thời Lê Sơ (thế kỷ XV) tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Đến khoảng năm 1788-1802, để thuận tiện cho việc quản lý, Văn Miếu được di chuyển từ xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, về xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, hợp nhất với trường thi hương tại đây và được đặt tên Văn Miếu Mao Điền".

Trước đây Văn Miếu Mao Điền không có bia đề danh Tiến sĩ. Năm 2002, để tôn vinh đạo học xứ Đông, tỉnh Hải Dương đã tổ chức Hội thảo khoa học xác định nội dung và dựng hai nhà bia Tiến sĩ. Mỗi nhà có bảy gian bằng gỗ lim, để đặt 14 tấm bia. Trong đó có tấm bia số một ghi tóm tắt lịch sử Văn Miếu và quá trình khắc dựng bia. 13 tấm bia còn lại đề danh 637 Tiến sĩ Nho học trấn Hải Dương (1075-1919).

Theo bà Lê Thị Thoa, Phó Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa Văn Miếu Mao Điền, chữ Mao Điền là tên địa phương. Chữ Mao nghĩa là cỏ thơm, cỏ thi. Chữ Điền nghĩa là ruộng. Xưa nơi đây là khu ruộng rất rộng, nhiều cỏ thơm, được chọn làm trường thi hương của trấn Hải Dương. Mỗi năm có hàng nghìn lượt khách về tham quan Văn Miếu, trong đó có rất nhiều sinh viên, học sinh, giáo viên…

Ngày nay, Văn Miếu Mao Điền trở thành địa chỉ khuyến học, tôn vinh hoạt động giáo dục, như tuyên dương khen thưởng học sinh, sinh viên có thành tích cao trong học tập; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử Văn hiến xứ Đông trong dịp lễ hội truyền thống vào ngày 18/2 âm lịch hằng năm…