Ðạo là chia sẻ, là yêu thương

Cứ đến những ngày thứ hai, tư, sáu hằng tuần, tại Bếp Nhi và Bệnh viện Y học cổ truyền Ðà Lạt, bà con lại khấp khởi chờ đợi hàng trăm phần ăn gồm bánh mì chả lụa chay, do các anh chị trong nhóm Câu lạc bộ Ăn chay Ðà Lạt phân phát. Hay chủ nhật hằng tuần tại Bệnh viện đa khoa Lâm Ðồng, bệnh nhân và người nhà nơi đây lại có thể đỡ tốn một khoản chi phí chăm nuôi bệnh nhân, khi các anh chị đều đặn tới chia sẻ 300 phần cơm chay.

Một gia đình khó khăn nhận hỗ trợ của Câu lạc bộ Ăn chay Ðà Lạt.
Một gia đình khó khăn nhận hỗ trợ của Câu lạc bộ Ăn chay Ðà Lạt.

Nối những vòng tay

Thành lập vào năm 2017, Câu lạc bộ Ăn chay Ðà Lạt là một nhóm thiện nguyện tập hợp những thành viên hướng đến việc ăn chay, đồng thời nỗ lực gieo duyên ẩm thực chay cho cộng đồng thông qua những hành động thiết thực.

Nông sản phục vụ việc chế biến những bữa ăn chay ấy là do bà con nông dân - chủ yếu ở các khu vực Lạc Dương, Di Linh, Ðơn Dương… - góp tay chung sức cùng Câu lạc bộ. Hơn thế, đó cũng là cách mà Câu lạc bộ Ăn chay Ðà Lạt "nhường cơm sẻ áo" với chính những người nông dân ấy.

Tính ra, về lâu dài, việc tặng hoặc cho nông sản là một "pháp bố thí" - từ của nhà Phật - rất phù hợp với điều kiện ở Lâm Ðồng. Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế Lâm Ðồng. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng ngành nông nghiệp vẫn duy trì mức độ tăng trưởng 4,4% trong năm 2020. Lâm Ðồng cũng là địa phương đứng đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bà con nông dân không có những khó khăn nhất định ở những giai đoạn cụ thể do ảnh hưởng bởi thời tiết, dịch bệnh. Thí dụ như cơn mưa đá trong những ngày gần đây gây thiệt hại rất lớn trên địa bàn tỉnh, khiến nhiều hoa màu bị hư hại, giá cả giảm sút. Có những thời điểm nông sản đến ngày thu hoạch phải đem cho bò ăn, cũng có khi phải mở cửa nông trang cho mọi người đến thu hoạch thoải mái, vì công trả cho người hái có khi còn cao hơn số tiền thu được nếu đem ra chợ bán.

Trong bối cảnh ấy, sự chia sẻ nông sản để cùng nhau tạo nên những bữa cơm thiện nguyện cho những người khó khăn vì dịch bệnh, đỡ đần những người nhà đang phải vất vả chăm sóc bệnh nhân là một lựa chọn đầy tính nhân văn, và cũng vô cùng hợp lý. Nông sản được thu mua bằng tiền quyên góp từ các nhà hảo tâm nhằm giúp đỡ nông dân vào những thời điểm khó khăn, rồi được dùng cho các công tác thiện nguyện, bên cạnh việc sử dụng cho gia đình hay biếu tặng cho bạn bè, người thân.

Ðạo là chia sẻ, là yêu thương -0

Nông sản Lâm Ðồng đến "tiếp sức" cho người dân gặp khó khăn ở TP Hồ Chí Minh.

Hướng đến điều thiện

Có một điều thú vị: Trong số các thành viên Câu lạc bộ Ăn chay Ðà Lạt cũng như nhiều nông dân hiến tặng thực phẩm cho họ, có người là Phật tử, có người là tín đồ Cơ đốc (Thiên Chúa giáo hoặc Tin lành), và cũng có người không theo một tôn giáo nào. Tuy nhiên, họ vẫn cùng nhau chia sẻ những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

"Thấy người ta khổ, thì mình chỉ muốn chia sẻ chút yêu thương đến với họ" - đó không chỉ là suy nghĩ của riêng ai, mà là tâm niệm chung được mọi thành viên chia sẻ. Một thành viên Câu lạc bộ sinh trưởng trong gia đình theo Cơ đốc giáo có thể không hiểu được hết nội hàm của "pháp bố thí" bên nhà Phật, song trên thực tế, rất nhiều thành viên như vậy vẫn tận tụy đồng hành với các nỗ lực "phát tâm Bồ Tát" của những thành viên khác.

Như những thành viên cựu trào bộc bạch: "Suy cho cùng, tôn giáo chỉ là phương tiện để mỗi chúng ta học về Tình Yêu Thương nhân loại. Phật nói đến Bồ Ðề Tâm. Chúa nói đến sự hợp nhất Thiên Chúa. Vốn dĩ nó đã có sẵn ở trong mỗi người, chờ ta tìm thấy những hạt giống tốt đẹp đấy ở ngay chính mình". Khác nhau về hình tướng, tên gọi, nhưng cuối cùng, "Ðạo" với mỗi người chỉ đơn giản là lương tri, là yêu thương và chia sẻ với người khác.

Ở Lâm Ðồng, nhà thờ và chùa chiền nằm san sát bên nhau, hòa hợp cùng nhau với rất đông các tín đồ. Vùng đất ấy yên bình. Con người nơi ấy nhẹ nhàng, tình cảm, thân thiện. Thời gian gần đây, do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nên các cơ sở tôn giáo đều phải tạm thời đóng cửa. Mọi người không thể đến nhà thờ hay chùa để đọc kinh, nghe pháp. Nhưng thay vào đó, họ cố gắng gấp bội trên hành trình cho đi hay trao tặng mỗi ngày, một cách chân chính và đầy hoan hỉ.

Bên cạnh Câu lạc bộ Ăn chay Ðà Lạt, "Quán cơm 2.000 đồng" cũng là một "địa chỉ vàng" giúp được rất nhiều thân phận. Ðã thành lập được 10 năm, cứ vào những ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy hằng tuần, Quán cơm 2.000 đồng ấy lại cưu mang bao nhiêu sinh viên và những người thu nhập thấp, cung cấp cho họ những bữa ăn với giá cả vô cùng "tượng trưng".

Có rất nhiều người đã lớn lên cùng những bữa cơm ấy, để không quên quay về đóng góp cho hành trình không mệt mỏi đó, khi là tải gạo, có khi chỉ là chút ít nông sản, với tâm niệm góp thêm những tấm lòng cho những tấm lòng. Bên cạnh đó, nhiều thế hệ sinh viên cũng được mời đóng góp sức, nhờ đó học hỏi thêm nhiều về công tác thiện nguyện, qua những hoạt động cùng Quán cơm 2.000 đồng.

Ðồng hành cùng đất nước

"Cùng hướng về thành phố mang tên Bác vượt đại dịch Covid" - Trang chủ Facebook của Câu lạc bộ Ăn chay Ðà Lạt kêu gọi, ngày 17/6 - "Kính mong quý mạnh thường quân, anh chị em cô bác gần xa chung tay chia sẻ dù ít, dù nhiều cùng góp công góp sức cùng nhân dân CHỐNG DỊCH COVID… Chúng ta ở ngoài, không góp công được, xin hãy góp của chia sẻ động viên các bác sĩ, dân quân, nhân dân cùng quyết tâm chiến thắng đại dịch, vượt qua khó khăn giai đoạn này. Cầu mong đại dịch sớm qua, nhân dân an ổn".

"Em xin kết nối các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí mua rau củ và vận chuyển tới các điểm cách ly giúp bà con vượt qua khó khăn ạ. Một tấn rau củ, quả vừa mua, vừa xin khoảng 5 - 6 triệu đồng. Các khu vực TP Hồ Chí Minh, Phú Yên,... và nhiều tỉnh, thành phố khác đang gặp khó khăn. Rất mong nhận được sự chung tay của cộng đồng giúp dân ta vượt qua đại dịch ạ" - Ðây lại là một lời kêu gọi khẩn thiết khác, ngày 30/6…

Tấm lòng chia sẻ khó khăn với bà con đồng bào cả nước, vượt khỏi địa phận Lâm Ðồng, của chị Trần Thị Ngọc - thành viên sáng lập - cũng như tất cả các thành viên Câu lạc bộ Ăn chay Ðà Lạt vô cùng mộc mạc, chân thành và đầy sức lay động.

Bên cạnh đó, những hoạt động thiện nguyện thường kỳ vẫn đều đặn diễn ra, như Chương trình định kỳ tặng quà hằng tháng cho các hoàn cảnh người già neo đơn hay người đặc biệt khó khăn vừa được thực hiện ngày 5/7. Vẫn như mọi lần, tất cả những sự đóng góp dù là nhỏ nhất, từ lít dầu ăn đến bao muối, đều được câu lạc bộ thống kê và cập nhật minh bạch, liên tục, nhanh chóng nhất có thể lên trang chủ Facebook.

Ðó chính là những sự diễn giải dễ hiểu nhưng hùng hồn nhất về "tốt đời đẹp đạo". Là nhân rộng và lan tỏa, để yêu thương đến với yêu thương…