Giao đất rừng để ổn định cuộc sống

Hiện nay, do một số nguyên nhân nên công tác giao đất rừng, giao rừng trên địa bàn huyện vùng cao Kỳ Sơn (Nghệ An) còn gặp nhiều khó khăn. Hơn bao giờ hết bà con mong các cấp chính quyền sớm bố trí kinh phí, hoàn thành việc giao rừng, đất rừng để người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống…

Mô hình trồng dâu tây trong nhà lưới ở xã Mường Lống cho thu nhập 200 - 250 triệu đồng/ha.
Mô hình trồng dâu tây trong nhà lưới ở xã Mường Lống cho thu nhập 200 - 250 triệu đồng/ha.

Kỳ Sơn có nhiều xã nằm ở độ cao hơn 1.200 mét so với mực nước biển, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng rất thuận lợi cho phát triển trồng cây rừng có giá trị kinh tế cao như pơ mu, sa mu… Cùng với đó là phát triển các mô hình gia trại, trang trại chăn nuôi trâu bò, gà đen, lợn đen, trồng chè Shan tuyết, cây dược liệu dưới tán rừng cho thu nhập cao và ổn định.

Tuy nhiên, để việc nhân rộng mô hình phát triển kinh tế kết hợp trồng rừng hiện gặp nhiều khó khăn. Một nguyên nhân rất quan trọng đó là nhiều hộ dân chưa có diện tích đất rừng để phát triển sản xuất từ kinh tế rừng. Đây cũng là một trong những lý do mà nhiều lao động người dân tộc thiểu số ở các xã: Huồi Tụ, Mường Lống, Mỹ Lý, Hữu Kiệm, Tây Sơn… đã rời quê đi tìm việc làm ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, hiện có khoảng 15-17 nghìn người dân (chiếm gần một phần tư dân số toàn huyện) thường xuyên vắng mặt tại địa phương; trong đó có khoảng 10 nghìn người đi làm ăn xa. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 ở các tỉnh, thành phố phía nam, đã có khoảng 7.000 người làm việc ở đây đăng ký về quê. Hiện có khoảng 3.500 người đã về Kỳ Sơn và dự kiến thời gian tới, sẽ có nhiều người tiếp tục về quê.

Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, số lao động hồi hương về Kỳ Sơn là khá lớn đã gây áp lực lớn cho huyện nghèo. “Với sự đùm bọc, hỗ trợ sẻ chia của cả cộng đồng cùng sự hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh và địa phương, hy vọng người dân sẽ vượt qua khó khăn trong giai đoạn trước mắt”.

Phần lớn số người hồi hương đều không muốn rời quê hương đi làm ăn xa nữa, nhất là khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Tâm tư nguyện vọng của hầu hết người dân là muốn có việc làm và cuộc sống ổn định ngay tại quê hương. Điều này tạo áp lực khá lớn cho huyện. Nếu không có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống của bà con sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo sẽ tiếp diễn. Mặt khác, người dân rất dễ vi phạm pháp luật khi lên rừng khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng trái phép, và dễ bị kẻ xấu lợi dụng rủ rê làm việc phi pháp.

Để bảo đảm cuộc sống ổn định lâu dài cho bà con ở vùng biên này, UBND huyện Kỳ Sơn đã đề xuất UBND tỉnh Nghệ An sớm hỗ trợ kinh phí để địa phương nhanh chóng triển khai việc đo đạc, trích lục và hoàn thành các hồ sơ thủ tục cấp 71 nghìn ha đất rừng, rừng cho người dân. Tuy nhiên, đây là số đất rừng và rừng mà Ban quản lý rừng phòng hộ đã bàn giao cho Kỳ Sơn thời gian qua, nhưng do chưa có kinh phí nên huyện chưa thể hoàn tất thủ tục bàn giao đến từng hộ dân.

Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn nhấn mạnh: “Nếu không kịp thời triển khai việc cấp đất rừng và rừng cho bà con để đón đầu Đề án này, nguy cơ chậm triển khai và không phát huy hiệu quả đề án là hiện hữu”. Tính đến nay, huyện Kỳ Sơn mới chỉ có một xã duy nhất đạt chuẩn về nông thôn mới. Việc giao đất rừng, giao rừng kịp thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.