Vai trò của người có uy tín trong bảo vệ rừng ở Lào Cai

Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (Lào Cai) rộng hơn 18 nghìn héc-ta, trải rộng trên năm xã vùng cao, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, giao thông rất khó khăn. Nhưng nhờ phát huy tốt vai trò, kinh nghiệm của người có uy tín ở thôn, bản trong các tổ bảo vệ rừng đã góp phần bảo vệ và phát triển rừng.

Một buổi tuần rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (Lào Cai).
Một buổi tuần rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (Lào Cai).

Từ tỉnh lộ 156 đang cải tạo, nâng cấp còn ngổn ngang đất đá, chúng tôi rẽ vào con đường hẹp và dốc cao, vừa qua cơn mưa đêm, có đoạn lầy bùn đất, để đến Nhà văn hóa thôn Khu Chu Phìn, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát. Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Khu Chu Phìn là Tráng A De đang kiểm tra giày ủng, dao phát, bi đông nước, mũ đội đầu của từng thành viên trong nhóm tuần rừng định kỳ theo kế hoạch đã đề ra.

Tổ trưởng Tráng A De cho biết, xuất phát từ nhà văn hóa thôn, đội tuần rừng sẽ đi sâu vào vùng rừng xanh thẫm trước mặt, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Một chuyến đi tuần rừng như vậy kéo dài từ sáng đến tối mịt, thời tiết xấu có khi phải ngủ lại trong rừng. Thông thường mỗi thành viên trong tổ đi tuần rừng từ hai lần trở lên/tháng, tổ trưởng theo dõi, chấm công từng thành viên, bảo đảm chi trả tiền công thực tế, minh bạch, công bằng theo hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng của thôn với Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, từ nguồn quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng của tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, Hạt trưởng Kiểm lâm, Trưởng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát Ngô Kiên Trung cho biết, đơn vị quản lý hơn 18 nghìn ha rừng đặc dụng trải rộng ở năm xã là: Y Tý, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ và Nậm Pung. Để quản lý tốt rừng đặc dụng tại đây, đơn vị đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng trực tiếp với 32 tổ bảo vệ rừng ở tất cả các thôn, do người dân từng thôn bầu ra, với những điều khoản cụ thể, rõ ràng. Căn cứ vào kết quả tuần tra bảo vệ rừng thực tế ở các thôn, có chấm công và hậu kiểm chặt chẽ, Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát chi trả bình quân khoảng từ năm đến sáu tỷ đồng/năm cho hàng nghìn hộ đồng bào H’Mông, Dao, Giáy nhận bảo vệ rừng thông qua hợp đồng với các tổ bảo vệ rừng thôn, bản ở địa phương.

Theo Chủ tịch UBND xã Sàng Ma Sáo Lý A Khoa, hiện tại toàn xã xây dựng chín tổ bảo vệ rừng ở mỗi thôn, bản. Các tổ có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng định kỳ hằng tháng, được chính quyền xã và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát phê duyệt, sau đó cắt cử các thành viên thực hiện tuần rừng theo kế hoạch. Mỗi tổ có từ bảy đến tám thành viên, gồm những người có sức khỏe, gương mẫu, có trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng.

Người có uy tín không chỉ trực tiếp tham gia các tổ bảo vệ rừng ở thôn, bản mà còn duy trì Lễ cúng rừng hằng năm, gắn bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS và miền núi với bảo vệ rừng ở địa phương mình, thông qua các hương ước cộng đồng có tính tự nguyện cao, bền vững.

Chúng tôi đến thôn Dền Sáng, xã Dền Sáng gặp ông Lý Vần Củi, người đã nhiều năm trông coi khu rừng cấm, rộng hơn hai ha của thôn. Điều khác lạ, khu rừng cấm này nằm ngay sát tỉnh lộ 156 trải nhựa thuận tiện, nhưng còn giữ được nguyên vẹn từ cây cổ thụ, thuộc nhiều loại gỗ quý hiếm, hàng trăm tuổi đang tỏa bóng um tùm cho đến từng cây măng, nấm hương bám trên thân cây mục dưới mặt đất. Càng đi sâu vào trong lõi rừng cấm, càng thấy rừng nguyên sinh đa tầng, đa dạng. Theo ông Củi, rừng cấm được bảo vệ nghiêm ngặt, không ai được tự tiện vào rừng chặt cây, hái măng, lấy củ quả, kể cả lấy củi hay cây rừng đổ đã khô, mục.

Hằng năm, thôn Dền Sáng tổ chức Lễ cúng rừng vào đúng ngày mồng một Tết Nguyên đán và ngày 2/2 âm lịch. Trong hai ngày đó, từ sáng sớm, mỗi hộ trong thôn cử một người mang lễ vật gồm hương, gạo, giấy, thực phẩm đến am thờ đặt dưới một gốc cổ thụ trong lõi rừng cấm để hành lễ, sau đó bầu tổ trưởng và các thành viên tổ bảo vệ rừng cộng đồng của thôn; tiếp đó cùng ký cam kết bảo vệ rừng theo hương ước do mọi người cùng xây dựng nên và thống nhất tự giác thực hiện, có sự chứng kiến của đại diện kiểm lâm và chính quyền xã.

Theo hương ước, mọi người trong thôn có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ và phát triển rừng cấm, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, bất kể dù to hay nhỏ, nhiều hay ít, cây rừng cũng như nguồn lợi khác từ rừng; ai xâm phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của thôn bằng vật chất (gạo, thịt lợn, rượu) hoặc nộp tiền vào quỹ bảo vệ rừng của thôn.

Thôn định ra mỗi năm mở cửa rừng một hoặc hai lần vào ngày nhất định; mỗi hộ cử hai người, được phép vào khu rừng cộng đồng (không phải rừng cấm) để thu hái củi làm chất đốt phục vụ sinh hoạt và chỉ được khai thác cành đã khô hoặc cây chết tự nhiên. Theo Chủ tịch UBND xã Dền Sáng Lý Láo San, xã khuyến khích duy trì Lễ cúng rừng hằng năm, vừa góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống, vừa phát huy ý thức bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả.