Phong Châu xây dựng nông thôn mới

Năm 2016, xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ bài học kinh nghiệm qua quá trình tuyên truyền, vận động nhân dân, huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, Phong Châu đang từng bước củng cố  các tiêu chí, phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn 2021-2025.

Ông Nông Văn Thọ (xóm Nà Mằn - Bản Piên, xã Phong Châu) bên rừng trồng của gia đình.
Ông Nông Văn Thọ (xóm Nà Mằn - Bản Piên, xã Phong Châu) bên rừng trồng của gia đình.

Năm 2011, khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, qua rà soát, Phong Châu mới đạt 4 trong số 19 tiêu chí. Nhiều khó khăn trước mắt, trong đó, tiêu chí thu nhập người dân là bài toán khó giải nhất.

Bởi phần lớn người dân trồng lúa, ngô, chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập thấp. Từ thực tế đó, lãnh đạo xã Phong Châu xác định hướng đột phá cần chuyển đổi sản xuất cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, và vận động thanh niên đi đầu phát triển nuôi vịt cỏ, trồng rừng, chế biến lâm sản, trồng lúa nếp, nuôi ong đặc sản, mở rộng diện tích cây hạt dẻ,… đây là những sản phẩm lợi thế sẵn có của địa phương.

Đến nay, trong xã có năm mô hình trang trại lâm nghiệp và chăn nuôi. Trong đó, anh Nông Văn Việt, xóm Bản Viết nuôi gần 1.000 con vịt đẻ trứng và thương phẩm. Anh Nông Văn Duyệt, xóm Pác Coóng, vỗ béo trâu bò, nuôi vịt cỏ. Còn chị Mông Thị Hiên, xóm Nà Mằn - Bản Piên, phát triển trồng rừng, vỗ béo trâu, bò, nuôi vịt cỏ,… cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm.

Tạo đầu ra cho sản phẩm lâm nghiệp trên địa bàn, anh Nông Văn Hiên phát triển xưởng chế biến gỗ tại xóm Nà Mằn - Bản Piên, giải quyết việc làm cho sáu lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ với thu nhập 200.000 đồng/ngày công. Phong trào phát triển trồng rừng trong xã lan tỏa, năm 2021, anh Hoàng Văn Thiên và Hoàng Văn Nìn ở xóm Nà Mằn - Bản Piên thu nhập từ 200 đến hơn 400 triệu đồng từ bán rừng sản xuất.

Nhận thấy hiệu quả mang lại từ các mô hình chuyển đổi sản xuất của thanh niên, người dân địa phương tích cực học tập, làm theo. Nhiều mô hình vỗ béo trâu, bò, nuôi vịt cỏ lan tỏa, ngoài ra xã Phong Châu còn trồng được 100 ha cây dẻ. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm nhanh, hiện chỉ còn 24 hộ nghèo chiếm 5,3%, là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong huyện. Thu nhập bình quân đầu người trong xã từ 18 triệu đồng năm 2015 đã tăng lên 32 triệu đồng/người/năm 2020. Người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Phong Châu đặc biệt quan tâm phát huy tính công khai, dân chủ, minh bạch và sự đồng thuận từ người dân khi thực hiện các nội dung công việc, nhất là những tiêu chí như đường giao thông, vệ sinh môi trường. Đảng ủy và lãnh đạo xã coi đây là những tiêu chí khó cần phải hoàn thành. Từ quá trình xây dựng đề án, quy hoạch nông thôn mới, mỗi nội dung đều được niêm yết công khai, tuyên truyền, giải thích và tổ chức lấy ý kiến đóng góp của người dân.

Đến khi triển khai thực hiện, người dân tiếp tục được lấy ý kiến, sau đó xã tổ chức cho từng hộ dân ký cam kết thực hiện. Nhờ vậy, quá trình triển khai các công việc, đa số người dân nhiệt tình ủng hộ, tham gia. Đối  với các trường hợp phát sinh vướng mắc, cán bộ xã sẽ trực tiếp tuyên truyền, vận động, giải thích, tháo gỡ kịp thời. Nhờ dân vận khéo, từ năm 2011 đến nay, xã Phong Châu đã vận động người dân hiến hơn 5 ha đất làm đường giao thông, mương thủy lợi, nhà văn hóa. Qua đó, diện mạo nông thôn đổi mới, bà con phấn khởi vì các tuyến đường nội đồng rộng mở, vận chuyển vật tư, phân bón, thu hoạch lúa được cơ giới hóa, thuận lợi.

Trước đây tiêu chí vệ sinh môi trường cũng là tiêu chí khó hoàn thành đối với xã Phong Châu, bởi ý thức người dân chưa cao trong thu gom xử lý rác thải, phong tục làm chuồng trâu, bò dưới gầm nhà sàn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe. Năm 2014, trong xã còn 145 trong số 518 hộ nuôi nhốt trâu, bò dưới gầm sàn nhà ở. Tập quán lạc hậu này không dễ giải quyết vì khi bắt tay vào khảo sát mới thấy, hộ thì thiếu đất, thiếu tiền, hộ thiếu nhân lực làm mới chuồng trại để chuyển chuồng gia súc khỏi gầm sàn nhà ở. Khắc phục bất cập trong vệ sinh môi trường của xã, địa phương đã xây dựng kế hoạch chi tiết, giao các đoàn thể xã, chi bộ, trưởng xóm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư người dân.

Đánh giá thành công của cấp ủy xã Phong Châu trong xây dựng nông thôn mới, Bí thư Huyện ủy Trùng Khánh Phạm Văn Cao chia sẻ, nhiều chủ trương đúng của cấp ủy xã được triển khai thực hiện đồng bộ đã đi vào thực tiễn. Bà con tin tưởng sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, đồng thuận đóng góp, tham gia xây dựng nông thôn mới, từng bước phấn đấu đưa Phong Châu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.

Bài và ảnh: MINH TUẤN