Phát triển kinh tế vườn ở vùng cao Hà Giang

Đầu năm 2021, tỉnh Hà Giang triển khai chương trình cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững. Sau gần một năm triển khai, chương trình đã nhận được sự ủng hộ từ người dân, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cho nên đã đạt được những kết quả nổi bật, bước đầu nâng cao đời sống vật chất cho người dân vùng cao.

Thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, các hộ dân ở thôn Nà Trà, xã Linh Hồ (huyện Vị Xuyên) đầu tư trồng bưởi da xanh, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, các hộ dân ở thôn Nà Trà, xã Linh Hồ (huyện Vị Xuyên) đầu tư trồng bưởi da xanh, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Tỉnh Hà Giang triển khai, thực hiện mục tiêu của chương trình cải tạo vườn tạp (CTVT), tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2021 - 2025) với mục tiêu nhằm thay đổi tư duy, phương pháp sản xuất, tạo sinh kế và giúp người dân tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đối tượng của chương trình là hộ nghèo, cận nghèo, thiếu vốn đầu tư, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Chương trình này được ví như một "cuộc cách mạng" trong thay đổi tư duy của người dân. Do đó, khi triển khai, tỉnh Hà Giang đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình CTVT từ tỉnh đến cơ sở, tích cực tuyên truyền, vận động nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã hỗ trợ những hộ tham gia chương trình được vay 30 triệu đồng và được hỗ trợ toàn bộ lãi suất trong vòng 30 tháng.

Triển khai chương trình, mỗi địa phương đều có cách làm riêng, sáng tạo, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân. Tại huyện vùng cao Quản Bạ, lãnh đạo huyện giao cho mỗi xã lựa chọn năm hộ làm điểm CTVT, ban hành bộ tiêu chí về CTVT để các địa phương căn cứ hướng dẫn các hộ triển khai thực hiện. Với điều kiện địa hình sản xuất đặc thù, đá nhiều hơn đất, nhiều hộ nghèo ở các xã đã đăng ký thực hiện CTVT bằng cách bù đất, lấp đá làm vườn. Toàn huyện Quản Bạ có 146 hộ đăng ký CTVT thì có đến 30 hộ mở rộng đất canh tác bằng phương pháp bù đất, lấp đá. Điển hình như hộ gia đình anh Mai Minh Đình ở xã Lùng Tám. Hơn một năm trước, khu vườn rộng gần một héc-ta của gia đình anh Đình chỉ toàn đá tai mèo. Đầu năm 2021, anh đăng ký với xã tham gia chương trình CTVT. Khi triển khai, cán bộ xã xuống giúp gia đình anh quy hoạch lại vườn, định hướng sản xuất, đồng thời huy động cán bộ, nhân dân đến hỗ trợ gia đình lấy đất lấp đá để tạo mặt bằng làm vườn. Anh Mai Minh Đình cho biết: "Tôi cũng tìm hiểu, nắm bắt kỹ thuật để mua 600 gốc ổi về trồng. Đến nay gia đình tôi có đủ rau xanh, gia cầm phục vụ cuộc sống hằng ngày, tăng thu nhập".

Vị Xuyên là huyện đầu tiên trong tỉnh triển khai chương trình CTVT. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Anh Tuấn cho biết: "Huyện thực hiện chương trình theo phương châm "dễ làm trước, khó làm sau", bảo đảm tính bền vững. Huyện chỉ đạo đội ngũ cán bộ đoàn, hội, đội và nòng cốt là lực lượng cán bộ khuyến nông cơ sở tập trung hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cây, con giống mới có năng suất cao vào gieo trồng. Gắn với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất". Gia đình chị Hoàng Thị Hương, thôn Bản Tàn, xã Trung Thành là hộ neo đơn, đặc biệt khó khăn. Được sự động viên của chính quyền, chị Hương đăng ký triển khai chương trình CTVT. Gia đình chị được vay vốn ngân hàng để mua cây, con giống; cán bộ xã, người dân trong thôn cũng hỗ trợ gia đình chị cải tạo gần 0,5 ha vườn để trồng rau, trồng cây ăn quả, nuôi gà, nuôi lợn. Hiện nay, mảnh vườn nhà chị Hương đã trồng được hơn 100 gốc ổi Đông Dư xen canh với cây lạc, kết hợp chăn nuôi thêm lợn, gà, bước đầu ổn định cuộc sống. Chị Hương chia sẻ: "Gia đình neo đơn, khi đăng ký CTVT, tôi được cán bộ và người dân quan tâm, hỗ trợ công lao động, hướng dẫn kỹ thuật. Đến nay, vườn nhà đã có đủ rau xanh để phục vụ cuộc sống hằng ngày, tôi cũng mới trồng được hơn 100 gốc ổi và nuôi gần 10 con lợn".

Sau gần một năm triển khai, chương trình CTVT đã lan tỏa từ thôn vùng thấp cho đến bản vùng cao. Mỗi cơ quan, đoàn thể, địa phương đều tổ chức ra quân phát động phong trào bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, hướng mạnh về cơ sở. Tỉnh đã huy động được hơn 15 nghìn ngày công lao động của cán bộ, nhân dân hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo CTVT; xã hội hóa gần 1,2 tỷ đồng để hỗ trợ mua cây giống, con giống cho nhân dân. Đến nay, Hà Giang có gần 1.900 hộ nghèo, cận nghèo đăng ký CTVT, trong đó 1.050 hộ được thẩm định vay vốn CTVT với số tiền đã giải ngân hơn 26 tỷ đồng. Tổng diện tích đất vườn được cải tạo là hơn 774 nghìn m2. Trong đó có hơn 480 nghìn m2 trồng cây ăn quả; hơn 165 nghìn m2 trồng rau xanh; hơn 72 nghìn m2 xây ao cá, chuồng trại chăn nuôi. Điểm nổi bật là có hơn 21 nghìn m2 nương đá tại các huyện vùng cao được người dân đổ đất, cải tạo thành vườn trồng rau, cây ăn quả.

Có thể khẳng định, với sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhất là ý thức vươn lên của các hộ nghèo, cận nghèo sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh Hà Giang thực hiện thắng lợi chương trình CTVT, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và tiến tới giảm nghèo bền vững cho người dân vùng cao.