Phát huy vai trò người có uy tín trong các buôn làng Tây Nguyên

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có hàng nghìn người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Họ là già làng, trưởng dòng họ, các vị chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức… được cộng đồng suy tôn. Người có uy tín luôn ảnh hưởng mạnh mẽ tới cộng đồng; là cầu nối giữa lòng dân và ý Đảng, luật tục và luật pháp, giữa chính quyền với bà con buôn làng, góp phần quan trọng xây dựng cuộc sống mới ở Tây Nguyên.

Người có uy tín dân tộc Cơ Ho trong ngày lễ trọng của buôn làng.
Người có uy tín dân tộc Cơ Ho trong ngày lễ trọng của buôn làng.

Đi suốt Tây Nguyên, qua những buôn làng, hình ảnh già làng, người có uy tín luôn hiện hữu như những trụ cột giữa cộng đồng. Họ nói buôn làng nghe, họ làm buôn làng tin tưởng làm theo. Họ như những cánh chim đầu đàn, dẫn dắt người dân buôn làng vượt qua mọi thử thách, luôn vững tin theo Đảng, Nhà nước.

Niềm tin của buôn làng

Jăt B, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, là buôn đặc biệt khó khăn, hiện có 118 hộ, hơn 500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Ê Đê. Đi trên con đường bê-tông chạy dọc giữa buôn, già Y Bhem Knul kể, con đường này xưa rất hẹp, vận chuyển nông sản rất khó khăn. Triển khai xây dựng nông thôn mới, chính quyền tuyên truyền, vận động hiến đất để mở rộng đường, nhưng do bà con chưa hiểu lợi ích nên không ưng bụng: “Mình từng gắn bó với công tác mặt trận nên mình biết nói cái gì để dân hiểu, dân tin. Nói rồi thì phải làm gương, mình là đảng viên, người có uy tín, nên bàn với gia đình hiến tặng gần 500 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng buôn. Giờ thì đường sá buôn làng đã bê-tông hóa, môi trường sạch đẹp, nhà cửa khang trang, bà con vui lắm”.

Khoảng 10 năm trước, buôn Drao, xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk là điểm “nóng” về an ninh trật tự. Già Y Krú Ayun đã cùng các ngành chức năng địa phương tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, giải thích cho người dân hiểu. Tranh thủ những thời điểm thích hợp, già Y Krú đến tận nhà vận động, giải thích cho những gia đình có người thân vượt biên hiểu về sự lừa gạt, chống phá của các thế lực thù địch. Nghe lời ông, nhiều người nhận ra sai lầm nên đã trở về buôn làng chí thú làm ăn, phát triển kinh tế. “Giờ buôn Drao đã bình yên, người dân chung tay xây dựng nếp sống mới, buôn làng giàu đẹp”, già Y Krú nói.

Ở vùng biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông, Gia Lai, già làng Ksor H’Blâm là “điểm tựa” của buôn làng. Hơn 20 năm làm “Bộ đội Cụ Hồ”, Ksor H’Blâm về hưu với quân hàm thượng úy. Trở về với làng Krông, xã Ia Mơr, với kiến thức tích lũy được, bà thường xuyên chia sẻ, vận động người dân cải tạo vườn tạp để phát triển kinh tế: “Chứng kiến dân làng đói khổ, mình buồn lắm. Rồi mình vừa làm vừa thuyết phục, biết cái gì thì mình chỉ cho người dân. Xóa đói nghèo cũng gian khổ như diệt giặc thù vậy đó”.

Nói và làm được, nên dân làng tin tưởng. Với những gia đình khó khăn, bà H’Blâm cho mượn bò về nuôi, đến khi bò sinh sản, bà chỉ lấy lại bò mẹ, rồi tiếp tục cho người khác mượn gây dựng con giống; bà hướng dẫn người dân trồng lúa nước, trồng cây công nghiệp đạt hiệu quả… “Nhờ những già làng, người có uy tín như bà H’Blâm thường xuyên tuyên truyền, thuyết phục, làm gương nên làng Krông đã đổi thay, phát triển. Bà còn được ví là “ngôi sao xanh biên phòng” trong phối hợp lực lượng biên phòng bảo vệ, phát triển rừng”, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Ở các buôn làng Tây Nguyên, hủ tục mê tín dị đoan đeo bám thời gian dài, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cộng đồng. Chuyện tin theo thầy mo từng gây nguy hại đến sức khỏe và làm đời sống người dân thôn Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, Kon Tum lâm cảnh khó khăn. Sớm nhận thức điều đó, Bí thư Chi bộ thôn Rờ Kơi A In quyết tâm giúp dân làng xóa bỏ suy nghĩ “thầy mo to hơn thầy thuốc”. “Trước đây, hễ có bệnh là người dân nghe thầy mo mổ heo, trâu, bò để cúng. Bệnh thì không giảm, mà kinh tế càng kiệt quệ, nên mình phải quyết tâm thuyết phục dân làng bỏ hủ tục. Văn minh rồi, làm gì cũng phải theo khoa học”, ông A In nói. Bắt đầu từ gia đình ông, sau đó bà con thấy đúng và làm theo, giờ dân làng không nhắc đến chuyện thầy mo nữa.

Ở phía nam Tây Nguyên, già làng Tou Prong Dzung, thôn Ka Đô cũ, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, được dân làng biết đến là một đảng viên uy tín, nhiệt huyết. Ông từng là Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Ka Đô kiêm Bí thư chi bộ liên thôn Ka Đô cũ, Ka Đô mới và Ta Ly. Về hưu, ông đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ka Đô. “Phải thấu hiểu cuộc sống của dân làng mới giúp họ tìm cách thoát nghèo được. Và quan trọng, là cán bộ, đảng viên thì phải gần dân, giúp dân và làm gương trước”, già Dzung nói.

Ngày trước, bà con buôn làng Ka Đô chỉ biết trồng bắp, trồng lúa một vụ sống qua ngày, cái đói mùa giáp hạt đeo bám triền miên. Có cái chữ và kiến thức qua quá trình công tác, già Dzung làm gương phát triển kinh tế hộ gia đình, rồi cùng cán bộ xã, thôn thuyết phục bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải thiện cuộc sống. “Ka Đô là xã nông thôn mới nâng cao rồi, đời sống người dân đã khấm khá. Giờ phải bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, nhất là ngôn ngữ, vì đó chính là mạch nguồn kết nối văn hóa”. Ông luôn nhiệt tình đứng lớp dạy tiếng Chu Ru, Cơ Ho cho cán bộ, công chức huyện. Ông bảo, chính điều này giúp kết nối lòng dân và ý Đảng, chính quyền sẽ hiểu đời sống dân làng hơn.

Trên các nẻo đường về với buôn làng Tây Nguyên, khó có thể quên hình ảnh già làng, người có uy tín Điểu Gay, Y Dung, Y Krơm (Đắk Nông), A Thuih, A Hiết, A Nhen (Kon Tum), H’rmik, Ksor H’Blâm (Gia Lai), hay Ya Loan, Ha Đời, K’Điệp (Lâm Đồng)… Họ là niềm tin, điểm tựa của buôn làng; họ được ví như tiếng “trống cái” trong bản hòa ca ngày mới giữa đại ngàn; họ truyền thông điệp của cấp ủy, chính quyền và kiến thức tới dân làng. “Trong các sự kiện lớn, như đại hội đảng các cấp, ngày bầu cử… hay công tác phòng, chống dịch Covid-19, già làng, người có uy tín, nhân sĩ trí thức đã cùng địa phương tuyên truyền sâu rộng đến các buôn làng, nên đạt kết quả rất tốt”, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng Phạm Thị Phúc cho biết.

Phát huy vai trò người có uy tín trong các buôn làng Tây Nguyên -0
Các già làng, người có uy tín dân tộc Ê Đê, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) diễn tấu cồng chiêng trong lễ hội Âm vang Tây Nguyên.

Phát huy vai trò người có uy tín

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng, dân số khoảng 6 triệu người, gồm 47 dân tộc anh em cùng cư trú. Theo thống kê của cơ quan chức năng các tỉnh Tây Nguyên, hiện toàn vùng có 3.433 già làng, người có uy tín. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk 1.021 người, Gia Lai 955, Kon Tum 678, Đắk Nông 300 và Lâm Đồng 479. Việc kế thừa, phát huy vai trò của nhóm xã hội đặc thù này có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo tồn, duy trì phong tục tập quán, văn hóa dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế-xã hội bền vững tại Tây Nguyên.

Thực tế, trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc hay trong thời kỳ xây dựng đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò già làng, người có uy tín, nhân sĩ trí thức luôn được phát huy mạnh mẽ. Từ năm 1996, trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã yêu cầu: “Động viên, phát huy vai trò của những người tiêu biểu, có uy tín trong dân tộc và ở địa phương”. Từ thời điểm này, cụm từ “người tiêu biểu, có uy tín trong đồng bào dân tộc” đã được nêu trong văn kiện của Đảng. Gần nhất, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục yêu cầu: “Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số”.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng Bon Yo Soan nhìn nhận: “Qua theo dõi, người có uy tín, tiêu biểu, nhân sĩ trí thức trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được trẻ hóa, phần lớn có trình độ, trách nhiệm, tâm huyết; lập trường, tư tưởng vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền; chủ động học tập, sáng tạo nâng cao trình độ, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Họ thật sự là điểm tựa của buôn làng, niềm tin của Đảng và Nhà nước”.

Vai trò của già làng, người có uy tín, nhân sĩ trí thức trong đồng bào dân tộc đã được khẳng định. Họ là những tấm gương mẫu mực, tận tụy, nhiệt tình, nói đi đôi với làm và có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. “Đáp ứng sự kỳ vọng, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, những năm qua, đội ngũ này đã không quản ngại khó khăn, đi từng ngõ, đến từng nhà vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; đoàn kết xây dựng buôn làng phát triển”, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông Hà Thị Hạnh cho biết.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, thời gian qua, tại một số địa phương, việc phân cấp quản lý, phân công vận động người có uy tín phát huy vai trò còn lúng túng, có tình trạng chồng chéo giữa cơ quan mặt trận, dân vận, dân tộc… dẫn đến trùng lắp hoặc bỏ sót đối tượng người có uy tín cần vận động, tranh thủ. “Vai trò, vị trí của người có uy tín đã được xác định, nhưng các chế độ, chính sách chưa phù hợp, tương xứng; thiếu quy chế phối hợp giữa người có uy tín với cấp ủy, trưởng thôn, ban công tác mặt trận và tổ chức đoàn thể, nên chưa phát huy hết hiệu quả phạm vi ảnh hưởng của họ, giảm hiệu quả công tác giám sát của cấp ủy, chính quyền trong quá trình triển khai chế độ, chính sách tới người dân”, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk Hà Huy Quang nhìn nhận.

Già làng, người có uy tín, nhân sĩ trí thức là những người “truyền lửa”, góp phần không nhỏ tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Đánh giá đúng vị trí, vai trò, sức ảnh hưởng của họ và có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, sẽ góp phần quan trọng trong việc “tiếp lửa”, để đội ngũ này phát huy tốt hơn “sứ mệnh” của mình trong sự phát triển của buôn làng, địa phương.

BIỂU HÒA LÝ, YÊN BẢO THẮNG