Khó khăn trong dạy, học trực tuyến cho học sinh vùng cao

NDO -

NDĐT - Thực hiện chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành giáo dục Cao Bằng đã linh hoạt áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, đối với học sinh vùng cao, vùng sâu, vùng xa thì việc dạy học trực tuyến thật khó khả thi mà chủ yếu vẫn thực hiện theo phương pháp truyền thống là các thầy giáo, cô giáo giao bài tập để học sinh tự ôn luyện kiến thức là chính.

Học sinh vùng khó khăn huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, tự học.
Học sinh vùng khó khăn huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, tự học.

Bảo Lâm là huyện vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế khó khăn nhất tỉnh Cao Bằng. Mong muốn dạy, học trực tuyến của huyện là khá xa vời khi khảo sát của ngành giáo dục địa phương cho thấy, gia đình của nhiều học sinh trên địa bàn chưa có điện, chưa nối mạng in-tơ-nét, ít có máy tính, điện thoại thông minh. Toàn huyện chỉ có hai trong số 14 xã, thị trấn có học sinh có điều kiện học trực tuyến. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) huyện Bảo Lâm, Ma Thế Trung cho biết, đã ban hành công văn gửi các nhà trường về việc tăng cường triển khai dạy học trực tuyến, hướng dẫn ôn tập kiến thức trong thời gian học sinh nghỉ học. Qua khảo sát của các trường, có hai đơn vị thuận lợi là trường học ở thị trấn Pác Miầu và xã Lý Bôn, các trường đã triển khai hướng dẫn phụ huynh đôn đốc, nhắc nhở học sinh học bài ở nhà qua hệ thống vnEdu. Còn lại, việc học sinh tự học trực tuyến gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, Phòng GD và ĐT chỉ đạo các đơn vị giáo dục áp dụng phương pháp giao bài tập, hướng dẫn học sinh ôn luyện tại nhà.

Cô giáo Tô Thị Phương Nhã, chủ nhiệm lớp 9A, Trường THCS bán trú Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm cho biết, do khó khăn trong triển khai dạy học trực tuyến cho nên cô đã phải lập nhóm trên trang Facebook cá nhân gồm 32 học sinh và tất cả giáo viên bộ môn để giao bài tập cho học sinh và ấn định thời gian nộp bài. Cách làm này không hiệu quả như học trên lớp hay dạy học trực tuyến vì không thể truyền đạt kiến thức mới, nội dung khó, nhưng cũng đã giúp học sinh được ôn luyện, không quên, không bị “hổng” kiến thức đã học. Cô giáo Hoàng Thị Hằng, bộ môn tiếng Anh, Trường THCS bán trú Quảng Lâm cho biết thêm, sau khi nhận hình ảnh bài làm của học sinh qua mạng xã hội, giáo viên sẽ sửa chỗ sai, chấm điểm, rồi gửi lại cho các em. Bài làm được chấm điểm, đã giúp các em phấn khởi, khuyến khích học sinh có thêm động lực tích cực ôn luyện, học bài trong những ngày nghỉ học.

Tại huyện Bảo Lạc, triển khai dạy và học trực tuyến cũng gặp nhiều khó khăn. Được bố mẹ mua cho chiếc điện thoại bốn triệu đồng, hằng ngày, vào buổi sáng, em Hoàng Thị Tâm, xóm Khuổi Sẩu, xã Phan Thanh, kết nối qua điện thoại học trực tuyến do các thầy giáo, cô giáo Trường THPT vùng cao Việt Bắc giảng dạy. “Tín hiệu nhận được nhiều lúc chập chờn, nhưng vẫn học được. Ngoài buổi sáng học theo thời khóa biểu, buổi chiều, tối em ôn lại bài và phụ giúp bố mẹ làm việc nhà”, Tâm cho biết. Tuy nhiên, số lượng học sinh có thể tham gia học trực tuyến không phải là phổ biến. Nhà cách xa trường 10 km, chưa có điện lưới, em Lò Thị Phương Linh, học sinh lớp 9, nhà ở xóm Po Pán, xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc, được mẹ mua cho chiếc điện thoại thông minh có kết nối 3G giúp nhận bài cô giáo gửi rồi ôn luyện, làm bài tập. Trong xóm có hai bạn học cùng trường chưa có điện thoại, khi thầy cô gửi bài, các bạn đến chép rồi cùng nhau thảo luận, học bài; những hôm nhiều bài tập, em phải thắp đèn dầu, học buổi tối. “Tập trung học bài, phụ bố mẹ làm việc nhà, giúp em củng cố kiến thức và vơi đi nỗi nhớ bạn bè, thầy cô, trường lớp, nhưng em vẫn mong hết dịch để lại được đến trường”, Linh chia sẻ.

Theo Trưởng phòng GD và ĐT huyện Bảo Lạc Hoàng Thị Loan, phía các trường thuận lợi là nhờ được các đơn vị Viettel, Vinaphone trên địa bàn cài đặt miễn phí phần mềm dạy trực tuyến cho tất cả các trường học, nhưng chỉ có khoảng 20% số học sinh có thể học được trực tuyến, còn lại các em ôn luyện kiến thức bằng hình thức giao, nhận bài tập qua mạng xã hội. Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc, Tô Thị The chia sẻ, phụ huynh học sinh chỉ cố gắng kết nối in-tơ-nét qua điện thoại thông minh để có thể giúp các em nhận bài tập về ôn luyện kiến thức, chứ hệ thống mạng kết nối chưa thể triển khai học trực tuyến.

VỚI những nỗ lực của ngành giáo dục, các thầy cô, sự quan tâm của phụ huynh và ý thức tự giác của học sinh, việc học của học sinh phần nào được bảo đảm. Tuy nhiên, tại thành phố, thị trấn và xã vùng thuận lợi trong tỉnh Cao Bằng, các thầy cô giáo đã triển khai dạy học trực tuyến. Còn những vùng khó khăn, việc học trực tuyến vẫn còn khá xa vời, hình thức giao bài để học sinh tự ôn luyện vẫn là chủ đạo.