Kết nối mạch nguồn văn hóa truyền thống Tây Nguyên

Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về buôn làng đồng bào các dân tộc bản địa Cơ Ho, Mạ, Chu Ru tại Lâm Đồng để nghe già làng, nghệ nhân kể chuyện truyền lửa cho các thế hệ con cháu về những di sản quý báu của dân tộc mình, để kết nối mạch nguồn văn hóa truyền thống sống mãi với thời gian.

Già làng truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ. (Ảnh chụp trước thời điểm giãn cách xã hội).
Già làng truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ. (Ảnh chụp trước thời điểm giãn cách xã hội).

Những nếp nhà ở thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh (Lâm Đồng) sáng tươi trong nắng chiều. Tôi đến nhà nghệ nhân K’Tiếu, người được mệnh danh là pho từ điển về văn hóa của người Cơ Ho Srê bởi ông am hiểu tường tận về các điệu chiêng, dân ca, văn vần dân gian, truyện kể của đồng bào mình. Lớn lên trong tiếng cồng, tiếng chiêng và câu yal yau, giọng kể khan của mẹ, của cha, năm 14 tuổi, K’Tiếu đã theo đồng bào ở buôn làng mấy tháng ròng để được chìm đắm trong mùa hội, mùa kết nối những vòng xoang, mùa của dân ca, dân vũ. Nghệ nhân K’Tiếu đã tự nhiên thẩm thấu những điệu chiêng, văn hóa truyền thống của dân tộc. “Tôi luôn đam mê với tiếng cồng, tiếng chiêng, dân ca, dân vũ... cho nên luôn có ý thức bảo tồn, gìn giữ và khát khao truyền dạy di sản văn hóa. Tôi mong muốn tiếp tục được cống hiến sức mình để truyền dạy cho thế hệ trẻ biết sử dụng cồng chiêng, giúp họ hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của cồng chiêng trong đời sống văn hóa của người Cơ Ho nói riêng và các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung”, già K’Tiếu chia sẻ. Hơn 20 năm qua, ngôi nhà của già K’Tiếu đã trở thành lớp học và ông đã truyền dạy cồng chiêng cho hơn 150 thanh niên nam, nữ ở buôn làng gần xa. Chiều yên ả, chợt tiếng chiêng huyền bí, mênh mang từ đâu đó rất gần. Cô gái K’Thoét đang cùng đội chiêng thôn Duệ tập luyện chuẩn bị đón lễ hội mùa xuân. “Tôi được già K’Tiếu truyền dạy 5 năm nay. Ban đầu cảm thấy học đánh chiêng khó thật, giờ thì điệu chiêng đã ngấm. Thế hệ trẻ phải học để gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”, K’Thoét giãi bày. Nhờ những lớp truyền dạy của già K’Tiếu, giờ đây, nhiều câu lạc bộ cồng chiêng tại địa phương đều thuần thục những bài chiêng truyền thống và thường xuyên tham gia giao lưu, trình diễn ở trong và ngoài tỉnh.
 
Ngang qua xứ Đơn Dương, Lâm Đồng, được ngắm nhìn sắc màu những ruộng lúa không gieo cùng vụ, khói lam chiều vương vấn trên dãy Pơtơu Gớp, những buôn làng Chu Ru như đang dệt những sắc màu huyền diệu. Đi hết cánh đồng dưới chân dãy núi, chúng tôi tìm đến nhà già Ya Loan. Vốn là giáo viên đã nghỉ hưu và giờ tuổi đã gần tám mươi, ông vẫn tích cực truyền dạy chữ viết của đồng bào dân tộc Chu Ru cho mọi người, không chỉ cho con em trong làng mà cả những cán bộ địa phương. Ông nhận thức rằng, ngôn ngữ là biểu hiện mạnh mẽ nhất của sức sống văn hóa của một dân tộc và ông Ya Loan tìm mọi cách để bảo tồn tiếng nói Chu Ru. Năm 2005, ông bắt đầu nghiên cứu và sắp xếp lại hệ thống ngôn ngữ của dân tộc mình, sau đó hợp tác cùng một số nhân sĩ, già làng hoàn thiện cuốn từ điển Chu Ru-Việt hơn mười ngàn mục từ. Trong đó, ông còn chắt lọc đưa vào những câu ca dao, bài dân ca, những truyện cổ, tên các vị thần, các vật dụng thông thường, các loại nhạc cụ. Già Ya Loan đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017. Già Ya Loan lo bảo tồn tiếng nói, chữ viết; bà Ma Wy, vợ ông kể chuyện văn hóa Chu Ru bằng dân ca và văn hóa tộc người Chu Ru đã được trao truyền, tiếp nối. “Biết, hiểu thì phải làm để góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của cộng đồng, của xã hội mà”, già Ya Loan chia sẻ.
 
Không gian tĩnh lặng, trong nhà dài truyền thống ở xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), già làng Điểu K’Bôi đang tự sự cùng gòng kơrla (đàn ống tre), thanh âm thong dong qua đỉnh núi lớn. Sinh ra và lớn lên qua những mùa hội buôn làng, được đắm chìm trong những nốt trầm bổng nhịp chiêng, tiếng kèn bầu, điệu khèn môi... làm Điểu K’Bôi mê mẩn những nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Năm 1978, khi tròn 15 tuổi, Điểu K’Bôi đã nắm được cơ bản các lễ hội truyền thống và tham gia trình diễn, tổ chức các lễ hội trong buôn. Qua 43 năm rèn giũa, luyện tập, ông Điểu K’Bôi đã thông thạo các điệu thức trình diễn cồng chiêng, các bài chiêng cổ, cách chỉnh chiêng và các bài cúng trong lễ hội truyền thống của người Mạ. Ông được công nhận là Nghệ nhân cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng cách đây 10 năm và đang được đề nghị xét tặng Nghệ nhân Ưu tú. Thời gian qua, ông Điểu K’Bôi đã tham gia truyền dạy hàng chục lớp cồng chiêng, nghề đan lát và biểu diễn các nhạc cụ truyền thống. Những ngày hội lớn ở buôn làng, ông thường đứng ra thực hiện các nghi thức. “Tôi còn nhớ và chơi thuần thục nhiều bài chiêng cổ, rồi chỉnh chiêng, chế tác kèn bầu, đàn t’rưng... đàn ống tre tôi cũng biết chế tác và chơi được”, già Điểu K’Bôi chia sẻ. Già K’Bôi đã trải lòng với chúng tôi bằng những thanh âm da diết qua nhạc cụ bằng ống tre già. Điệu tự sự chậm, buồn, thao thiết; điệu ru con đong đưa, nhẹ nhàng; điệu tiễn đưa nỉ non, day dứt... Đó là những câu chuyện được kể bằng âm thanh, những điệu thức không có ghi chép. Đó là mạch nguồn hồn nhiên tự chảy trong huyết quản của những người con trên miền rừng xanh, núi đỏ. 

Đi, nghe và cảm nhận, có thể thấy mỗi điệu chiêng, tiếng kèn, điệu vũ của đồng bào các dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên đều gửi gắm thông điệp với thần linh, với rừng xanh, với cộng đồng. Buôn làng nay đã đổi mới, không gian, môi trường văn hóa, tập tục đã có sự tiếp biến, đổi thay. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định: “Công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và các tổ chức, cộng đồng, cá nhân yêu di sản văn hóa dân tộc. Trong đó có trách nhiệm của các nghệ nhân dân gian bởi họ chính là người giữ mạch nguồn văn hóa truyền thống”.