Hướng đi mới giúp người dân thoát nghèo

Với cơ chế hỗ trợ vốn theo hình thức cho vay từ nguồn ngân sách Trung ương không tính lãi, số nợ được trả dần trong ba năm, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững tại huyện Đắk Hà (Kon Tum) đã mở ra một hướng đi mới giúp người dân thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đắk Hà hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây cà-phê.
Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đắk Hà hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây cà-phê.

Năm 2016, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đắk Hà đã tham mưu UBND huyện thẩm định và phê duyệt triển khai thực hiện ba dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí 620 triệu đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, với sự tham gia của 61 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, tại xã Đắk Hring có 25 hộ dân tham gia dự án luân chuyển vốn hỗ trợ hộ nghèo chăm sóc cây cà-phê, cao-su và chăn nuôi lợn nhằm giảm nghèo bền vững. Huyện hỗ trợ 250 triệu đồng cho các hộ tham gia đầu tư phát triển sản xuất trong thời hạn ba năm. Đến nay, qua hơn bốn năm triển khai thực hiện, đã có 23 hộ tại xã Đắk Hring thực hiện hoàn trả nợ nguồn vốn ban đầu với số tiền 230 triệu đồng để huyện thực hiện việc luân chuyển nguồn vốn của dự án sang cho hộ khác theo quy định.

Là một trong những hộ nghèo đầu tiên tham gia dự án, anh A Khon ở làng Đắk Klong, xã Đắk Hring quyết định vay 10 triệu đồng để đầu tư vào trồng một ha cà-phê. Anh A Khon chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo, không có tiền mua cà-phê giống. Khi vay được tiền để mua giống thì thời gian đầu thực hiện gặp rất nhiều khó khăn trong việc trồng và chăm sóc cây vì thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, tôi đã được chính quyền địa phương giúp đỡ, phân công cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn cách thức trồng và chăm sóc cây cà-phê đạt hiệu quả”. Nhờ vậy, toàn bộ số cây cà-phê trong vườn nhà anh A Khon đều phát triển rất tốt và được thương lái thu mua với giá khoảng 70 triệu đồng/ha. Anh tiếp tục dùng số tiền thu được đầu tư vào trồng một ha bời lời và sắn để nâng cao thu nhập. Đến nay, diện tích bời lời mang về cho gia đình anh hơn 50 triệu đồng/năm. Với tổng thu nhập hơn 120 triệu đồng/năm, đời sống của gia đình anh A Khon ngày càng được cải thiện, sung túc. Năm 2018, anh A Khon đã hoàn trả toàn bộ nguồn vốn vay ban đầu và được chính quyền địa phương công nhận thoát nghèo.

Đến thăm nhà anh A Luýt, làng Kon Mong, xã Đắk Hring, chúng tôi được anh dẫn ra rẫy cà-phê rộng hơn 1,5 ha của gia đình. Trong đó, một ha cà-phê đang sai quả chuẩn bị thu hoạch và năm sào trồng cây cao-su cho thu nhập gần ba triệu đồng/tháng. Anh Luýt chia sẻ: Gia đình mình có ba con, thuộc diện hộ nghèo của xã. Khi được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đắk Hà hướng dẫn cách trồng cây cà-phê, cao-su và giới thiệu vào làm công nhân Nông trường cao-su Đắk Hring thì cuộc sống thay đổi hẳn. Nghe theo lời cán bộ, mình còn mạnh dạn vay 10 triệu đồng của dự án hỗ trợ hộ nghèo mua ba con bò để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2019, gia đình mình chính thức thoát khỏi diện hộ nghèo. Đến nay, đời sống ngày càng khấm khá hơn, các cháu được học hành đến nơi đến chốn.

Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Hring Y Nông nhận định, đây được xem là “cú huých” trong việc thay đổi nhận thức của người dân về phương thức sản xuất mới trong phát triển kinh tế sản xuất nông nghiệp. Qua đó, người dân đã biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện sản xuất của địa phương và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, các mô hình sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung để chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp tình hình sản xuất nông nghiệp của vùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Đắk Hà tiếp tục triển khai Dự án luân chuyển vốn hỗ trợ hộ nghèo chăm sóc cây cà-phê, cây cao-su nhằm giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã Đắk La và làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đắk Hà. Hiện tại đã có 31 hộ tham gia vay vốn thông qua Dự án từ ngân sách Trung ương với số tiền là 370 triệu đồng. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đắk Hà Nguyễn Hoài Vũ cho biết, với nhiều mô hình được thực hiện, các hộ nghèo trên địa bàn đã được hưởng lợi trực tiếp, giúp tăng nguồn thu nhập và làm thay đổi tập quán sản xuất của bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới, phòng tiếp tục chú trọng và tham mưu UBND huyện nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; giúp người dân trên địa bàn huyện vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Từ đó, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh tại địa phương.