Giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhiều năm gần đây, thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, các địa phương đã coi trọng đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo gắn liền thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra tại Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025; Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nhiều địa phương, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đã có những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân. Thực tiễn đang đặt ra những thách thức đòi hỏi sự nỗ lực, giải pháp khoa học, đồng bộ hơn trong phát triển vùng ĐBDTTS.

Thu hoạch chè búp tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Thu hoạch chè búp tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Tỉnh Lào Cai có người DTTS chiếm hơn 66% dân số toàn tỉnh. Huyện vùng cao, biên giới Mường Khương nằm trong danh sách 56 huyện nghèo nhất cả nước. 5 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở huyện chiếm hơn 65%. Ba năm qua, Huyện ủy Mường Khương xác định bốn đề án lớn, tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa, hướng mạnh vào mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bí thư Huyện ủy, Tiến sĩ Giàng Quốc Hưng là cán bộ trẻ được luân chuyển từ tỉnh về huyện, chia sẻ: Các chủ trương, giải pháp từ tỉnh, huyện đề ra được triển khai hiệu quả thông qua cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ cơ sở. Mường Khương có 80% diện tích đất tự nhiên là đồi, núi, các đề án phát triển kinh tế, xã hội huyện, nhất là từ năm 2019 đến nay đã giúp 16 xã khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, phát triển trồng rừng và nông nghiệp hàng hóa.

Vùng sản phẩm cây ăn quả toàn huyện tăng nhanh với các cây đặc sản như dứa, quýt, chè, sa nhân, hồi... Đến nay tổng diện tích đạt 3.431 ha. Các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản đi vào hoạt động giúp giá sản phẩm nông nghiệp, thu nhập của người dân tăng. Ba năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 10%/năm, tốc độ giảm nghèo cao nhất tỉnh Lào Cai.

Tăng tốc với những mục tiêu và giải pháp mới

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng Thị Dung trao đổi: Nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và tỉnh đối với vùng ĐBDTTS đều tăng ở tất cả các lĩnh vực. Theo đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ĐBDTTS ở tỉnh giảm 4 đến 5%/ năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%. Cùng Mường Khương, các huyện Bát Xát, Bảo Yên, Bắc Hà đang có cơ hội phát triển mới.

Hiện, tỉnh Yên Bái có tỷ lệ ĐBDTTS chiếm hơn 57%; riêng hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải chiếm 95% tổng dân số. Năm 2020, số hộ nghèo ĐBDTTS là 13.272 hộ, chiếm 86,34% trên tổng số hộ nghèo của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy chia sẻ: Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân vùng ĐBDTTS đạt khoảng 8%/năm; thu nhập bình quân đạt 59 triệu đồng/người/năm. Theo đó, ngay năm 2021, tỉnh đề ra mục tiêu giảm 2,05% hộ nghèo. Các huyện đông ĐBDTTS như Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm hơn 6,5%. Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên cho biết, huyện cần giảm 730 hộ nghèo, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện cuối năm còn gần 26%.

Với huyện Văn Yên, mục tiêu giảm nghèo trong năm là 2,15% tương đương 757 hộ. Từ Nghị quyết của Đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; tiếp tục triển khai các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững. Hướng mới của huyện là tập trung phát huy hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giá trị bản sắc văn hóa của ĐBDTTS để phát triển; phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 65 triệu đồng/năm.

Năm 2021, cùng ngân sách Trung ương (chiếm gần 32%), tỉnh Yên Bái huy động 362.801 triệu đồng, chiếm hơn 14% và huy động từ cộng đồng 2.116 triệu đồng cho mục tiêu giảm nghèo bền vững . Hiện có 59 xã vùng ĐBDTTS của tỉnh với 1.720 hộ nghèo được 51 cơ quan, đơn vị trong tỉnh kết nghĩa hỗ trợ, để giảm nhanh tỷ lệ nghèo.

Tại tỉnh Nghệ An, ĐBDTTS chiếm 15% dân số, nhiều huyện có tỷ lệ cao như: Kỳ Sơn gần 95%, Tương Dương 89%, Con Cuông 76%, Quỳ Châu 78,84%, Quế Phong hơn 90%. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông trao đổi: Nhiều năm gần đây tình hình kinh tế, xã hội vùng ĐBDTTS của tỉnh có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực. Ba năm qua, vùng Tây Nghệ An tăng trưởng kinh tế bình quân đạt hơn 12%; tỷ lệ hộ nghèo ĐBDTTS giảm bình quân 6 đến 7%/năm. Trong 11 huyện đông ĐBDTTS có một huyện và 77 trong số 196 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó tám xã thuộc huyện nghèo 30a; tại 41 xã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế mang lại giá trị cao...

Thời cơ và những thách thức

Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quyết tâm chính trị, sự đổi mới gắn liền các giải pháp, mục tiêu từ đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 của các địa phương đã tạo nên chuyển động tích cực trong giảm nghèo bền vững vùng miền núi, ĐBDTTS.

Trong bối cảnh khó khăn về nguồn thu của ngân sách Trung ương do đại dịch Covid-19, mới đây Chính phủ vẫn dành ưu tiên cao nhất cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với tổng số vốn đầu tư hơn 137 nghìn tỷ đồng. Đây là “cú huých”, giúp vùng ĐBDTTS, miền núi phát triển. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Các cơ quan hữu quan cần chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội. Các cơ chế, chính sách cần hướng tới mục tiêu người dân thật sự được hưởng các quyền lợi từ chương trình này.

Thông qua thực hiện hiệu quả chính sách của Trung ương và của tỉnh gắn với huy động nguồn lực xã hội hóa, các địa phương coi trọng nội lực, tiềm năng, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS là những nhân tố quan trọng trong lĩnh vực này. Ghi nhận ở Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp tỉnh, huyện đã triển khai dồn sức đầu tư các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội, theo hướng hiệu quả, đồng bộ hơn, góp phần giảm nghèo bền vững vùng ĐBDTTS.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vùng ĐBDTTS và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước. Hiện, nhiều vùng ĐBDTTS đang là vùng 5 “nhất”, gồm: Điều kiện khó khăn nhất; chất lượng nhân lực thấp nhất; kinh tế, xã hội chậm phát triển nhất; tiếp cận dịch vụ khó khăn nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Có nguyên nhân, do điều kiện tự nhiên chia cắt, thường xuyên chịu ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu; nguồn nhân lực hạn chế; tập quán canh tác còn lạc hậu, hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển... tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định an ninh, chính trị.

Thực tế đang đòi hỏi các chính sách phải tiếp tục hướng mạnh vào mục tiêu phát triển bền vững cho vùng ĐBDTTS, miền núi gắn liền bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Kinh nghiệm quý báu từ cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương là quán triệt, triển khai vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước phải gắn liền phát huy trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới là khâu then chốt.