Giảm nghèo bền vững nhờ nguồn vốn ưu đãi

Những năm qua, nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi ở tỉnh Ninh Thuận đã có vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Nhân viên Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn.
Nhân viên Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn.

Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Thuận Lê Minh Lộc cho biết, từ năm 2016 đến tháng 6/2021, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân cho gần 45 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn vay với số tiền gần 1.500 tỷ đồng. Mức cho vay theo quy định và một số chương trình tín dụng khác từ 22 đến 100 triệu đồng đã giúp đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có điều kiện để đầu tư sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng đời sống. Tổng dư nợ đến tháng 6/2021 là 507 tỷ đồng với 13.180 hộ đang sử dụng vốn. Bí thư Huyện ủy Bác Ái Mẫu Thái Phương khẳng định, những năm qua, nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH, nhiều hộ đồng bào Raglai trên địa bàn có điều kiện để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển chăn nuôi..., từ đó vươn lên thoát nghèo, góp phần đáng kể trong việc giảm nghèo nhanh và bền vững theo mục tiêu huyện đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo người DTTS trên tổng số hộ DTTS huyện Bác Ái giảm 6,01%/năm, vượt 150% kế hoạch (kế hoạch mỗi năm giảm 4%).

Gia đình chị Katơr Thị Lem ở xã Phước Tân, huyện Bác Ái có sáu thành viên, nhưng có tới sáu sào đất (1.000 m2/sào) bỏ trống vì không có vốn để sản xuất. Hai vợ chồng chị phải đi làm thuê để mưu sinh. Chị chia sẻ: Nhờ được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện, tôi đã mua ba con bò sinh sản. Ðến nay, gia đình tôi không chỉ trả được nợ mà còn có vốn đầu tư trồng bốn sào lúa, đạt năng suất cao. Ðể mở rộng phát triển chăn nuôi, tôi mạnh dạn vay lại 50 triệu đồng mua thêm ba con bò, nay đàn bò tăng lên chín con. Niềm vui lớn nhất hiện tại của gia đình tôi là thấy các con được học hành, cuộc sống tốt hơn trước đây rất nhiều.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, tỷ lệ hộ nghèo DTTS toàn tỉnh năm 2016 là 38,77%, đến cuối năm 2020 giảm xuống còn 16,18% (bình quân mỗi năm giảm 4,52%, vượt kế hoạch đề ra). Hộ tái nghèo toàn tỉnh giảm từ 202 hộ xuống còn 10 hộ; tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh từ 14,93% giảm xuống còn 5,33% vào cuối năm 2020. Ðể tiếp sức cho các hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, từ ngày 30/3/2021, Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Thuận tiếp tục giải ngân chương trình tín dụng cho vay đối với hộ mới thoát nghèo. Ðây là một trong những giải pháp để giảm nghèo bền vững, vì hầu hết những hộ mới thoát nghèo, điều kiện kinh tế tuy đã khá hơn trước nhưng vẫn chưa ổn định, dễ tái nghèo nếu gặp rủi ro.

Với mong muốn tiếp tục vươn lên, chị Bùi Thị Kim Thanh ở thôn Núi Ngỗng, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn đã bán 10 con bò cùng với số vốn 50 triệu đồng vay ưu đãi từ chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng CSXH huyện, để mở rộng diện tích đất trồng trọt, mua máy cày, máy gặt đập liên hợp, vừa phục vụ gia đình sản xuất, vừa kinh doanh dịch vụ. Chị Thanh tâm sự: Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi năm con bò sinh sản, trồng 1 ha lúa, vào vụ mùa thì làm thêm dịch vụ chở hàng hóa, gặt lúa cho bà con để tăng thêm thu nhập. Cuộc sống được cải thiện, gia đình có điều kiện nuôi các con ăn học chu đáo, không chỉ trả nợ vay mà còn có tiền tích lũy gửi tiết kiệm.

Giống như hộ nhà chị Thanh, nhiều hộ ở các huyện Bác Ái, Thuận Bắc... nhờ vay vốn ưu đãi, có điều kiện nuôi bò, gà, dê, trồng cỏ chăn nuôi, trồng ngô, lúa... Nhiều gia đình còn khoan giếng để chủ động nguồn nước sinh hoạt, nước uống cho vật nuôi khi hạn hán, cũng như bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng.

Nguồn vốn cho hộ mới thoát nghèo vay được xem là một trong những chương trình tín dụng có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các hộ đồng bào DTTS. Nguồn vốn này kịp thời tiếp sức cho các gia đình tiếp tục có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRUNG