Đưa thông tin tuyên truyền đến gần đồng bào dân tộc thiểu số

Nước ta hiện có hơn 14 triệu đồng bào là người dân tộc thiểu số, cư trú rải rác ở 75% diện tích đất nước, tập trung ở các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Cô và trò Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên tiếp cận thông tin báo chí.Ảnh: ĐĂNG KHOA
Cô và trò Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên tiếp cận thông tin báo chí.Ảnh: ĐĂNG KHOA

Để chủ trương, chính sách dân tộc đến được với đồng bào, những năm qua, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên trên phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, trước những thay đổi mạnh mẽ của đời sống và điều kiện tiếp cận thông tin, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất, rất cần có những đổi mới về nội dung và hình thức.

Báo chí đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số

Với mục tiêu đưa các chủ trương, chính sách phát triển chính trị-kinh tế-xã hội đến được với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ nhiều năm trước, công tác thông tin, tuyên truyền đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bên cạnh các hình thức thông tin phổ biến ở vùng cao như: loa phát thanh, truyền thanh; bảng tin công cộng; họp thôn, bản; tuyên truyền miệng thông qua các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, các chức sắc tôn giáo…, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 9/1/2019 về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019 - 2021, đồng thời giao Ủy ban Dân tộc chủ trì đặt hàng với các cơ quan báo, tạp chí theo số lượng và đối tượng đã được phê duyệt.

Phát huy ưu điểm và thế mạnh là đưa thông tin sâu và lưu trữ lâu, báo in chuyển tải kịp thời thông tin đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa và là cẩm nang không thể thiếu giúp các cán bộ, đảng viên, người có uy tín, già làng, trưởng bản làm tài liệu tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các ấn phẩm báo chí được ví như “món ăn tinh thần” quý giá, “mở lối” để người dân có cái nhìn xa hơn, rộng hơn. Từ chuyện phổ biến cách làm ăn mới, hướng dẫn việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; động viên đồng bào tích cực giảm nghèo, vươn lên làm giàu… đến xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao cảnh giác, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đổi mới hoạt động truyền thông

Mấy năm trở lại đây, cùng với sự cải thiện về hạ tầng, điều kiện thông thương, giao tiếp được mở rộng; nhất là tác động ngày càng đa dạng, sâu sắc của các thành tựu công nghệ… văn hóa nghe nhìn, tâm lý, thói quen tiếp nhận và mức độ chịu ảnh hưởng bởi thông tin, tuyên truyền của công chúng nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã có nhiều khác biệt. Ngày càng nhiều người dân tộc thiểu số, nhất là lớp trẻ, được tiếp cận và sử dụng các phương tiện thông tin, tuyên truyền hiện đại, như: điện thoại thông minh, tivi, mạng internet...

Chia sẻ tại Hội thảo “Thực trạng công tác tuyên truyền chính sách dân tộc trên các phương tiện truyền thông” do Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) tổ chức mới đây, PGS, TS Lê Ngọc Thắng nhận định: “Đối tượng thụ hưởng kết quả tuyên truyền-truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi là cộng đồng các tộc người thiểu số có những đặc thù về văn hóa, dân trí, ngôn ngữ, tập quán, địa bàn cư trú… Chính vì vậy, để “truyền thông” đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng dân tộc thiểu số, rất cần đổi mới phương pháp và có cách thức tiếp cận đặc thù. Trong đó, việc phân tích, đánh giá nhu cầu thông tin từng nhóm đối tượng, địa phương, vùng, miền, khu vực biên giới, tộc người… để tìm ra phương pháp truyền thông cụ thể, phù hợp, hiệu quả với từng nhóm đối tượng là hết sức quan trọng”.

Thừa nhận sự nhanh nhạy, kịp thời của phương thức tuyên truyền trực tuyến thông qua các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, YouTube, các trang tin điện tử và các hình thức kết nối, giao lưu trực tuyến; tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Trần Tuấn Anh cũng bày tỏ lo ngại khi mạng xã hội đang có quá nhiều thông tin xấu, độc, ảnh hưởng không tốt tới tư tưởng, an ninh, chính trị vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới; trong khi báo in gần như sàng lọc được hết các thông tin có hại này.

“Quá trình đi xuống các thôn, bản lấy ý kiến của đồng bào cho thấy: Báo in vẫn được đồng bào rất trân trọng và tin tưởng. Với nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín, những tờ báo in, những cuốn chuyên đề không chỉ là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào; mà hơn thế đó còn là kho tư liệu với những thông tin chính xác để đồng bào có thể cùng đọc và chia sẻ”-ông Trần Tuấn Anh cho hay.

Dựa vào kết quả của những chuyến đi thực tế và các công trình nghiên cứu, Tiến sĩ Võ Thị Mai Phương-Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: “Tất cả các phương thức thông tin, tuyên truyền chỉ mang tính tương đối. Thực tế cho thấy, tuyên truyền cần có sự đan xen giữa các phương thức. Trong các buổi thảo luận nhóm, tư vấn, chia sẻ ở cộng đồng, cùng với thông tin, tuyên truyền trực tiếp; các báo cáo viên vẫn có thể kết hợp đọc báo, mở đài, phát tờ rơi, tờ gấp. Trong các buổi tọa đàm truyền hình vẫn có đường dây nóng để giao lưu trực tiếp với người dân. Cán bộ văn hóa phụ trách hệ thống loa truyền thanh tại thôn, bản hoàn toàn có thể khai thác những bài báo hay, phù hợp trên báo đọc cho người dân nghe...

Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1719-QĐ/TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, bao gồm 10 dự án thành phần. Chính sách đã có, nhưng để các chính sách này đến được với đồng bào, đi vào đời sống, mang lại những hiệu quả như mục tiêu đặt ra, vai trò của công tác tuyên truyền là rất quan trọng và không thể thiếu.

Tuyên truyền là một nhiệm vụ chính trị cần được tiến hành song song, thường xuyên, liên tục với quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Báo in, báo nói, báo hình hay báo mạng sẽ chỉ thật sự hiệu quả khi mỗi tác phẩm báo chí là tiếng nói tâm huyết, giá trị của người làm báo, đồng thời chạm đến đúng tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc.

KIỀU LINH