Xử lý nghiêm việc thông tin xuyên tạc về dịch Covid-19

Trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã tung tin xuyên tạc, kích động, chia rẽ gây tác động xấu đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh. Gần đây nhất, chủ tài khoản trang fanpage "Giang Kim Cúc và các cộng sự" bị các cơ quan chức năng xử phạt khi phát sóng trực tiếp sai sự thật về việc bà ngoại rút ống thở của cháu tại một bệnh viện ở thành phố.

Trước đó, trên trang Facebook cá nhân, đối tượng Phan Hữu Ðiệp Anh đăng hình ảnh một người đàn ông đổ xăng lên người tự thiêu tại TP Thủ Ðức kèm theo bình luận: "Bức xúc vì cách thức chống dịch Covid-19… người dân phẫn uất ngay giữa đường bức bách, tự thiêu". Làm việc với cơ quan chức năng, đối tượng này đã thừa nhận hành vi khi sử dụng hình ảnh lồng ghép, chủ động đưa những nội dung xuyên tạc, sai sự thật rồi phát tán lên mạng xã hội (MXH).

Việc một số người dùng các trang MXH (Facebook, TikTok, Youtube,…) đăng tải các thông tin chưa kiểm chứng, giật gân, câu khách để thu hút sự theo dõi của cộng đồng mạng, nhất là các thông tin về Covid-19, đang diễn ra phổ biến gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác, thành quả chống dịch của thành phố. Không chỉ các trang MXH, nhiều tờ báo điện tử có lượng người truy cập rất lớn cũng "cẩu thả" trong việc đăng tải các thông tin.

Từ đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát (ngày 27/4) đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, gỡ bỏ và ngăn chặn sáu trang thông tin điện tử; 186 bài viết trên MXH; 299 video trên YouTube; 300 video trên TikTok đăng tải tin giả, sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19.

Với sự phổ biến rộng khắp, MXH đã góp phần lan tỏa, nhân rộng rất nhiều hành động đẹp của người dân, đơn vị. Tuy nhiên, cũng có nhiều người dân đang lầm tưởng về "quyền" đăng tải các nội dung lên MXH theo kiểu "nội dung giả, hậu quả thật" gây nhiễu loạn thông tin và hoang mang dư luận.

Những sự cố đã và đang xảy ra đều để lại hệ lụy rất lớn trong xã hội. Các cá nhân, đơn vị cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thận trọng khi tiếp cận nguồn tin, đặc biệt cần xác định thông tin qua các nguồn tin uy tín trước khi đăng tải. Nhiều chủ tài khoản chỉ vì thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về Luật An ninh mạng nên đã đăng tải nhiều thông tin cẩu thả, vô bổ, tiêu cực. Việc chủ động cung cấp thông tin phản bác, đấu tranh trực diện các thông tin xấu, độc, kích động chống phá trên mạng cũng cần được các cơ quan, đơn vị chú trọng hơn.

Các cơ quan chức năng cần đưa ra các biện pháp chủ động phòng ngừa. Trong đó, việc thường xuyên đưa tin, đăng tải các thông tin chính thống, "hợp gu" người dùng MXH để tạo độ lan tỏa, bao phủ, "đè" các thông tin độc, xấu trên MXH. Thường xuyên cập nhật các kỹ năng, cách chọn lọc thông tin để tuyên truyền đến người dân qua đó nâng cao sự hiểu biết, cách xử lý thông tin cho người dùng MXH.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần phải mạnh tay, quyết liệt hơn nữa trong xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các đối tượng lợi dụng MXH để truyền bá, chia sẻ các nội dung tiêu cực, nhất là các thông tin gây ảnh hưởng không tốt đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.

Việc mở rộng "vùng xanh" trên không gian mạng cũng góp phần quan trọng để nhân lên niềm tin, sự đồng hành của người dân để kiểm soát đại dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất ■

Xuân Phú