Xây dựng thế trận ứng phó biến thể Omicron

Trước sự lây lan nhanh và diễn biến phức tạp từ biến thể Omicron của vi-rút SARS-CoV-2 trên thế giới và trong khu vực, UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành văn bản khẩn về Kế hoạch xây dựng thế trận y tế ứng phó biến thể Omicron.

Việc xây dựng kế hoạch này nhằm triển khai hiệu quả các biện pháp ngăn chặn biến thể xâm nhập, phát hiện sớm nhất sự xuất hiện của biến thể Omicron. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các phương án kiểm soát, can thiệp kịp thời, giảm tới mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế-xã hội, nếu xuất hiện biến thể nguy hiểm này tại thành phố.

Tám nhóm giải pháp được thành phố đưa ra bao gồm: Tăng cường giám sát kiểm dịch tại cửa khẩu hàng không, hàng hải; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc biến thể Omicron tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp; tổ chức giám sát bằng xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm biến thể Omicron tại thành phố; tăng cường cập nhật thông tin liên tục trên thế giới về biến thể Omicron để có đánh giá đúng mức về sự nguy hiểm, chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa, can thiệp và tổ chức truyền thông phù hợp, hiệu quả; triển khai đầy đủ, kịp thời việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kiện toàn và triển khai đồng bộ hệ thống kiểm dịch từ cấp thành phố đến cấp huyện, cấp xã; ứng phó linh hoạt tùy thuộc theo cấp độ nguy hiểm của dịch do biến thể Omicron gây ra; tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng; xây dựng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều tri Covid-19 ở cấp huyện, sẵn sàng kích hoạt và đưa vào hoạt động ngay khi có yêu cầu.

Để thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp nêu trên, thành phố yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch y tế quốc tế, nhất là yêu cầu hành khách chuyến bay quốc tế phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh, tổ chức cách ly kiểm dịch, xét nghiệm kiểm tra SARS-CoV-2 theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt lưu ý đối với các chuyến bay, chuyến tàu xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron sẽ bắt buộc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này (không cho phép cách ly tại nhà), bất kể tiền sử đã tiêm vắc-xin hoặc đã mắc Covid-19 trước đó.

Đồng thời, tổ chức các hoạt động theo dõi sức khỏe, tầm soát, sàng lọc tại cơ sở y tế, trong cộng đồng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Từ đó, phát hiện và thông báo sớm cho cơ quan chức năng những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 có liên quan người nhập cảnh, trường hợp nghi ngờ tái nhiễm Covid-19 để thực hiện xét nghiệm kiểm tra. Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp để tiến hành cách ly kiểm dịch, xét nghiệm theo quy định.

UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các phòng xét nghiệm chủ động phát hiện sớm trường hợp nhiễm biến thể Omicron bằng cách xem xét dấu hiệu thiếu gien S trong các mẫu xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2. Thực hiện xét nghiệm giải trình tự gien tất cả trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đối với người nhập cảnh trong vòng 28 ngày, người tái nhiễm Covid-19.

Tất cả trường hợp nêu trên, sau khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 12 để cách ly điều trị và thực hiện xét nghiệm giải trình tự gien. Ngoài ra, có thể tổ chức giám sát ngẫu nhiên một số trường hợp nghi ngờ khác tùy thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh trong nước và thế giới...

Việc xây dựng thế trận y tế ứng phó biến thể Omicron của thành phố là toàn diện. Tuy nhiên, để ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể này cần sự chủ động hơn nữa của các cơ quan chức năng, sự chung tay của cộng đồng trong phòng, chống dịch. Đồng thời, tránh chủ quan, lơ là, nhất là trong bối cảnh thành phố đang từng bước khôi phục các hoạt động khi để trở lại trạng thái bình thường mới

DUY KHÁNH