Xã hội hóa hoạt động y tế phục vụ phòng, chống dịch

Sở Y tế thành phố vừa có lời kêu gọi các nhà thuốc tư nhân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua việc cung cấp thuốc men, trang thiết bị, dịch vụ y tế kịp thời đến người bệnh. Lời kêu gọi này được rút ra từ bài học kinh nghiệm về huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng tham gia công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua, khi mà hầu hết lực lượng chi viện từ các nơi đã rút về.

Sở Y tế thành phố đề nghị các nhà thuốc tư nhân cung ứng đầy đủ và đúng theo quy định các vật dụng, thiết bị y tế, thuốc cần thiết cho công tác chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người mắc Covid-19; cung ứng các thuốc không kê đơn, thuốc kê đơn (sử dụng theo chỉ định của bác sĩ) theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế về điều trị và chăm sóc F0 tại nhà và điều trị các bệnh lý nền. Ngoài ra, các nhà thuốc còn là nơi cung ứng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên theo danh mục cho phép của Bộ Y tế, cung ứng dụng cụ đo nồng độ oxy trong máu, nước súc họng hoặc nước muối sinh lý 0,9%, khẩu trang y tế, nhiệt kế…

Được xem là cầu nối giữa các cơ sở y tế với người bệnh, các nhà thuốc tư nhân còn tham gia công tác truyền thông, tư vấn và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0: mỗi nhà thuốc cần được cung cấp và luôn cập nhật danh sách các trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc Covid-19 tại cộng đồng cùng với số điện thoại liên lạc của từng cơ sở y tế trên địa bàn để người dân biết, liên hệ khi cần; nhân viên nhà thuốc tuyên truyền cho người dân biết và thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của cơ quan y tế về phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tùy theo nhu cầu thực tế tại từng địa phương, các nhà thuốc có thể được ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, phường, xã, thị trấn lựa chọn để cùng với trạm y tế, trạm y tế lưu động tham gia quản lý và cấp phát túi thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà...

Những nội dung được Sở Y tế thành phố nêu ra hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế, đúng quy định, tận dụng những lợi thế sẵn có vì thành phố hiện có hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân phân bố khắp 22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Việc các nhà thuốc tư nhân cùng thành phố thực hiện công tác phòng, chống dịch không chỉ xem là cánh tay nối dài, tiếp sức, hỗ trợ đẩy mạnh công tác xã hội hóa mà còn góp phần giải quyết những hạn chế tồn tại hiện nay khi hệ thống y tế cơ sở từ cấp quận, huyện, phường, xã đều quá tải; bộc lộ không ít bất cập liên quan đến nhân sự, bộ máy, cơ chế, qua đợt dịch lần thứ tư.

Về lâu dài, Chính phủ, Bộ Y tế tạo một khung pháp lý, cơ chế chính sách để ngành y tế thành phố có cơ sở củng cố hệ thống y tế cơ sở từ cấp quận, huyện, xã, phường đến cấp thành phố trên các mặt như lực lượng, chế độ chính sách, kế hoạch, kịch bản ứng phó… Thành phố sớm xem xét cho Sở Y tế áp dụng mô hình thí điểm huy động y tế tư nhân tham gia công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 theo các loại hình: chăm sóc và điều trị F0 tại bệnh viện; chăm sóc và điều trị F0 tại nhà; chăm sóc và điều trị F0 tại các cơ sở cách ly tập trung. Một vấn đề cũng hết sức cấp thiết là cho các cơ sở y tế tư nhân thực hiện cơ chế thu phí dựa trên cơ sở tự nguyện và thỏa thuận giữa người bệnh và cơ sở cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo Chỉ thị số 18 của Chủ tịch UBND thành phố, nhất là trong thời gian tới khi thống nhất chủ trương chuyển hướng phòng, chống dịch sang phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phòng ngừa chủ động từ sớm, từ xa thì sự vào cuộc của cơ sở y tế tư nhân là rất cần kíp, cần được nhanh chóng thực hiện.