Tín hiệu tích cực sau phiên đấu giá đất tại Thủ Thiêm

Sau nhiều đồn đoán, bốn công ty trúng đấu giá bốn lô đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) cũng đã ký hợp đồng mua tài sản với các cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, với việc đấu giá thành công bốn lô đất, ngân sách thành phố đã thu về được 37.346 tỷ đồng. Điều này không chỉ giúp có thêm khoản thu để tái đầu tư cho các dự án trọng điểm đang thiếu vốn, mà còn tạo tiền đề để chính quyền thành phố tự tin đấu giá các khu đất công khác.

Vài năm trở lại đây, các vụ án hình sự liên quan đến cán bộ lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh ít nhiều đều dính dáng đến việc giao đất công nhưng không qua đấu giá, thẩm định giá thấp hơn so với thị trường, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Kết quả đấu giá bốn khu đất tại Thủ Thiêm cho thấy, quá trình đấu giá được công khai, minh bạch và có nhiều nhà đầu tư tham gia. Cơ quan tổ chức đấu giá cũng đã mở cửa cho người dân và báo chí tham dự để thông tin rộng rãi đến công luận.

Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho các đợt đấu giá tiếp theo. Kết quả đấu giá đã vượt rất nhiều lần so với giá khởi điểm. Điều này không chỉ tăng nguồn thu cho ngân sách mà còn giúp thanh lọc thị trường. Chỉ có những doanh nghiệp thật sự có tiềm lực, có phương án kinh doanh rõ ràng thì mới dám xuống tiền mua đất với giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường tại cùng thời điểm. Khi công khai, minh bạch các phiên đấu giá như tại Thủ Thiêm sẽ chấm dứt thói quen, nếp kinh doanh không tốt; tạo tiền lệ tốt về công khai, minh bạch và ngân sách cũng thu về nguồn lợi lớn hơn để phục vụ đầu tư.

Tuy nhiên, kết quả đấu giá bốn lô đất tại Thủ Thiêm cũng tạo ra những lo lắng, hệ lụy. Ngay sau phiên đấu giá, mặt bằng giá nhà đất tại khu đông thành phố đã được đẩy lên rất cao, tạo ra những cơn sốt đất mới. Với các chủ đầu tư dự án chưa nộp tiền sử dụng đất sẽ lâm vào cảnh “ngồi trên lửa” vì nếu xác định tiền sử dụng đất theo giá thị trường, tức là có căn cứ các mức giá mới xác lập, tiền sử dụng đất sẽ tăng lên rất cao. Theo quy tắc kinh doanh, mọi chi phí đầu vào sẽ cấu thành nên giá bán, vì vậy, người mua bất động sản sau cùng sẽ phải gánh chi phí này. Ước mơ về một chỗ an cư cho người nghèo, người thu nhập thấp lại càng xa tầm tay. Trường hợp giá quá bất hợp lý, không hấp dẫn người mua, chủ đầu tư cũng có rủi ro tồn kho lớn.

Với mức giá 2,4 tỷ đồng/m2, trong khi giá thị trường tại các dự án trong khu vực chỉ đang bán giá từ 100 triệu đồng/m2, cao nhất là 300 triệu đồng/m2, cao gấp tám lần giá thị trường, ít nhiều sẽ gây khó khăn cho chính thành phố trong việc đấu giá các khu đất công tiếp theo. Bởi lẽ, nếu vẫn áp mức giá này thì rất ít doanh nghiệp đủ tiềm lực tham gia, mà hạ giá thì không ít thì nhiều cũng gây hoang mang với mối lo làm thất thoát ngân sách nhà nước. Trước đó ít lâu, chính thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định không tăng hệ số điều chỉnh giá đất bởi lo ngại nếu ban hành bảng giá đất mới (tiệm cận với giá thị trường) sẽ tạo ra sốt đất, gây khó khăn cho người sử dụng đất và an sinh xã hội vốn đã bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Hơn lúc nào hết, lúc này, chính quyền thành phố cần có những chính sách kịp thời để ổn định thị trường bất động sản, quản lý chặt không để xảy ra những cơn sốt đất ảo. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc né thuế, trốn thuế bằng việc kê khai giá trị mua bán trên hợp đồng thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế…