Thời cơ tăng tốc chuyển đổi số

Những biến cố do đại dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, lan rộng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội thành phố Hồ Chí Minh, đã tạo nên áp lực và cũng là động lực giúp chính quyền, doanh nghiệp mạnh dạn tăng tốc chuyển đổi số để thích ứng an toàn với dịch bệnh, phát triển bền vững.

Đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức lớn đối với chính quyền thành phố, đó là vấn đề quản trị thành phố trong tình hình mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành, đổi mới công tác quản trị, tạo động lực mới cho tăng trưởng của thành phố trong tương lai. Riêng các doanh nghiệp, dịch Covid-19 khiến họ nhận thức rõ ý nghĩa sống-còn của chuyển đổi số. Khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, những doanh nghiệp sớm đầu tư chuyển đổi số có thể duy trì hoạt động, tổ chức làm việc từ xa, cùng với các kênh online giúp doanh nghiệp nhanh chóng điều chỉnh mô hình kinh doanh, doanh số được giữ vững, thậm chí tăng doanh thu.

Trong bối cảnh đó, thành phố Hồ Chí Minh xác định chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Từ tháng 7/2020, thành phố đã đề ra chương trình chuyển đổi số với 10 lĩnh vực tập trung gồm: Y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng và đào tạo nguồn nhân lực. Thành phố cũng đặt mục tiêu tới năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 25% trong GRDP; năm 2030 chiếm 40% GRDP của thành phố. Đây là mục tiêu kỳ vọng và thách thức cho nên cần có những lộ trình, bước đi cùng những giải pháp khả thi thì mới thúc đẩy được chuyển đổi số.

Năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh hội tụ các điều kiện “thiên thời-địa lợi-nhân hòa” để trở thành năm tăng tốc chuyển đổi số. Đó là, nhận thức của các doanh nghiệp về chuyển đổi số đã có nhiều thay đổi sau mùa dịch. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hơn 75% số doanh nghiệp đã, đang ứng dụng các công nghệ số. Nhiều doanh nghiệp đang đưa các chương trình, chiến lược chuyển đổi vào kế hoạch đầu tư năm 2022. Bên cạnh đó, sự thành công của các doanh nghiệp tiên phong về chuyển đổi số đang là động lực lớn để các doanh nghiệp khác mạnh dạn đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp nền kinh tế số, tận dụng các cơ hội mới khi thị trường mở cửa.

Cùng với đó, thành phố đã có những bước chuẩn bị bài bản như công bố Chương trình chuyển đổi số của thành phố năm 2020; Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”. Để phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số và công nghệ số, thành phố cũng đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số (DXCenter) làm cầu nối giữa các chuyên gia tư vấn, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ số với các doanh nghiệp. Đến năm 2020, việc triển khai kho dữ liệu dùng chung và nền tảng liên thông tích hợp (HCM LGSP) của thành phố đạt thêm nhiều kết quả: Kết nối 41 đơn vị, đã có 222 dịch vụ dùng chung… xử lý một triệu yêu cầu/ngày. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% số người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang xếp vị trí thứ năm cả nước trong bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin Việt Nam. Vì vậy, thành phố cần tiên phong hơn nữa trong chuyển đổi số, cần nhanh chóng chuyển từ kế hoạch sang hành động, chú trọng đầu tư hạ tầng chuyển đổi số. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang nâng cao ý thức chuyển đổi số, chính quyền thành phố nên thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số bằng các chính sách hỗ trợ đào tạo, tư vấn, hỗ trợ đầu tư phần mềm quản lý vì mục tiêu phát triển. Nếu chuyển đổi số tốt, tự động hóa tốt, chắc chắn năng suất lao động sẽ tăng lên, giúp tăng năng lực cạnh tranh kinh tế của thành phố. Đây cũng là động lực để thành phố tạo sức bật phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.