Tăng thêm mảng xanh cho thành phố

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh), toàn thành phố hiện có 508,561ha đất công viên, chỉ tiêu đất công viên công cộng của thành phố chỉ đạt bình quân 0,55 m2/người (quy mô dân số 9 triệu người). Con số này thấp hơn nhiều so với đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích cây xanh khoảng 6.259 ha, tương ứng với chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh khoảng 6,3m2/người.

Thành phố cũng đang tồn tại nghịch lý “nơi thừa, nơi thiếu” trong phân bổ diện tích công viên cây xanh trên địa bàn giữa các huyện ngoại thành và khu vực nội thành. Theo Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, khu vực nội thành (gồm 16 quận và thành phố Thủ Đức) có diện tích 495,82ha công viên cây xanh, chiếm gần 99% tổng diện tích công viên cây xanh, trong khi khu vực ngoại thành (gồm 5 huyện) chỉ có 47,13ha, chiếm khoảng 1%.

 Có những quận trung tâm như quận 3 lại không có một công viên cây xanh nào. Nhiều dự án xây dựng công viên đã được quy hoạch từ lâu nhưng vẫn “án binh bất động” chưa thể triển khai, điển hình như dự án công viên 150ha tại quận 12, dự án công viên Sài Gòn Safari 456ha tại huyện Củ Chi, dự án công viên 120 ha tại quận 7...

Thành phố đặt chỉ tiêu giai đoạn 2020-2025 tăng thêm tối thiểu 150ha đất công viên và 10ha mảng xanh công cộng. Đến năm 2030, đất công viên cây xanh ở thành phố đạt 1m²/người, tăng 450ha so với năm 2020.

Trong khi việc mở rộng diện tích công viên cây xanh trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn thì một số công viên hiện hữu ở khu vực nội ô đang bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, công năng. Một số công viên trở thành địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm, bãi giữ xe... Cùng với đó, mảng xanh của thành phố có nguy cơ “teo tóp” dần do diện tích cây xanh ở khu vực nội ô bị xâm hại; nhiều cây cổ thụ có giá trị cảnh quan, môi trường và văn hóa, lịch sử bị đốn hạ để nhường không gian cho các công trình giao thông, hạ tầng đô thị.

Để quản lý, phát triển mảng xanh trong đô thị, thành phố cần siết chặt kiểm soát diện tích công viên đang sử dụng sai mục đích để trả lại không gian công cộng tại các công viên; thanh tra, giám sát các chủ đầu tư dự án khu dân cư, khu đô thị buộc phải thực hiện nghiêm túc các cam kết xây dựng diện tích công viên cây xanh theo đúng quy định để không gian sống của cộng đồng dân cư được hài hòa, thân thiện hơn với môi trường. Khi thực hiện di dời các nhà xưởng gây ô nhiễm trong các khu dân cư theo quy định, thành phố cần điều chỉnh chức năng các khu đất này thành đất xây dựng các công viên cây xanh để phục vụ cộng đồng.

Trong bối cảnh nguồn ngân sách đầu tư cho các dự án công viên cây xanh trên địa bàn thành phố còn khá hạn hẹp, không thể triển khai đồng loạt nhiều dự án trong thời gian ngắn, thành phố nên khuyến khích xã hội hóa, tận dụng nguồn lực từ doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công viên có quy mô lớn. Với những công viên có diện tích lớn, thành phố có thể quy hoạch tích hợp giữa công viên công cộng với khu vui chơi giải trí, thể thao có thu phí.

Để xây dựng các công viên, thành phố cần hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết, lập danh mục, lập dự án xây dựng và kêu gọi đầu tư, đồng thời cần nhân rộng việc biến các “điểm đen” rác thải thành những công viên công cộng, công viên cây xanh tại các quận, huyện...